Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu cản trở phát triển thị trường

Thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đã gửi văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương xây dựng. Qua đó, chỉ ra dự thảo có nhiều điểm trái luật, không phù hợp vận hành thị trường.

Nghị định can thiệp vào phạm vi quyết định của doanh nghiệp

Theo văn bản góp ý, một nghị định về cơ bản chỉ được quy định chi tiết thi hành hay biện pháp tổ chức thực hiện các văn bản luật hoặc pháp lệnh hiện hành. Nhưng các nội dung của Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu (dự thảo) đang liên quan đến khoảng 15 luật khác nhau, tức điều chỉnh các vấn đề đã có luật quy định. Do đó, dự thảo không phù hợp với nhiều quy định của các luật hiện hành, trừ khi nâng cấp lên thành luật.

Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu do VCCI tổ chức ngày 14/5.

Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu do VCCI tổ chức ngày 14/5.

Văn bản góp ý cũng cho rằng, theo Luật Đầu tư 2020, Bộ Công thương chỉ có thẩm quyền trình Chính phủ ban hành một nghị định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, là mặt hàng thuộc danh mục ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được Quốc hội ban hành.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định không chỉ quy định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, mà còn toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ chế quản lý, can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp và thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước mà không chỉ dẫn ra các căn cứ cụ thể từ các điều luật có liên quan.

Điều 7 Luật Đầu tư cũng quy định, việc đặt ra các điều kiện cho ngành, nghề kinh doanh nhất định chỉ cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nhưng dự thảo có nhiều quy định về điều kiện kinh doanh bắt buộc hoàn toàn mang tính chất thương mại thuộc phạm vi quyết định của doanh nghiệp và thị trường.

Các thương nhân đồng quan điểm rằng, các điều kiện đó không cần thiết và không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, trái với Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Giá và Luật Dự trữ Quốc gia.

Một khi Dự thảoNghị định được áp dụng sẽ khiến cho các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của thị trường. Cơ chế quản lý vừa qua và quy định của dự thảo vẫn tiếp tục duy trì tình trạng lấn át và chèn ép ngày càng tăng của các doanh nghiệp lớn đang thống lĩnh thị trường, đẩy nhiều doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu đến nguy cơ phá sản.

Tạm dừng nghị định để xây dựng Luật Kinh doanh xăng dầu

Tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị Nhà nước cần xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu.

Trong đó, đảm bảo tự do hóa, không phân loại, phân biệt đối xử; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, địa bàn, quy mô, đối tác kinh doanh và hình thức cung ứng dịch vụ trên cơ sở luật định.

Nhà nước áp dụng thử nghiệm cơ chế đấu thầu, đấu giá qua sàn kinh doanh xăng dầu để người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt nhất. Thực hiện chức năng giám sát cạnh tranh và chỉ điều tiết, can thiệp vào thị trường khi có biến động lớn liên quan đến an ninh chính trị - kinh tế. Nhà nước sử dụng linh hoạt nhiều công cụ điều tiết khác nhau như công cụ thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng thay cho chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện nay.

Đồng thời, Nhà nước nên xây dựng luật thay cho nghị định. Nếu tiếp tục xây dựng và ban hành nghị định thì cần bảo đảm tuân thủ các luật hiện hành, theo đó chỉ quy định duy nhất về điều kiện kinh doanh xăng dầu phù hợp với Luật Đầu tư 2020. Tránh quy định có tính mở rộng và lấn sân, gây ra sự không phù hợp và chồng chéo về các chế định, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật cũng như hạn chế và gây khó khăn cho kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ xăng dầu.

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/5, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, cho rằng dự thảo nghị định cho phép thương nhân đầu mối có quyền "Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác", nhưng lại không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu TP.HCM, kiến nghị cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định trong thực tế có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch, tạo ra kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường…

Do đó, về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho rằng dự thảo này mang tư duy quản lý theo kiểu bao cấp, lạc hậu. Lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá. Bởi vậy, ông Phạm Ngọc Hùng đề xuất giải pháp lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Hữu Trí

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-thao-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-can-tro-phat-trien-thi-truong-thuong-mai-192240605142330776.htm