Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Hình thành chuỗi nhà thuốc để tạo động lực cạnh tranh, cải tiến phục vụ người dân
Dự kiến, khi các chuỗi nhà thuốc được hình thành sẽ tạo ra động lực cạnh tranh, đòi hỏi các nhà thuốc truyền thống phải cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đào thải các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.
Một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược là công tác tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc. Trong đó, một loại hình kinh doanh mới đang trở nên phổ biến hiện nay là kinh doanh chuỗi nhà thuốc.
Xung quanh nội dung này, chúng tôi đã trao đổi với TS.Dược sĩ Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
- Xin ông thông tin về một số nội dung đổi mới được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược?
TS Lê Việt Dũng: Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 06/4/2016, thay thế Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về dược đã được ban hành, ngành dược Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt cấp độ 3,5 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN…; góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng cho thấy một số nội dung của Luật Dược 2016 không còn phù hợp với yêu cầu quản lý; gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc, nhất là trong điều kiện cấp bách như phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
Nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc đó, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của ngành dược thời gian tới, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Về phạm vi điều chỉnh, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này tập trung vào một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, chính sách. Về bố cục, dự thảo Luật gồm 41 khoản, đi sâu vào nội dung liên quan đến chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thu hồi thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.
Trong số những điểm mới có sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược; tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; (3) quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài; (4) thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề dược…
- Ông có thể thông tin cụ thể hơn về nội dung liên quan loại hình chuỗi nhà thuốc đề xuất trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược?
TS Lê Việt Dũng: Trong thời gian gần đây, do quá trình phát triển, chuyên môn hóa của xã hội đã dẫn đến hình thành một số hoạt động kinh doanh dược, các hệ thống chuỗi nhà thuốc bắt đầu định hình rõ nét và xác định được vị trí của mình trong việc phân phối thuốc từ nhà phân phối đến bệnh nhân/người tiêu dùng ở kênh ngoài bệnh viện.
Luật Dược năm 2016 đã có chính sách để phát triển hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc tại Khoản 9 Điều 7 như sau: "Khuyến khích chuyển giao công nghệ trong sản xuất thuốc; phát triển mạng lưới lưu thông phân phối, chuỗi nhà thuốc, bảo quản và cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của Nhân dân".
Tuy nhiên điều kiện, cũng như quyền lợi của cơ sở kinh doanh chuỗi nhà thuốc chưa được quy định cụ thể để khuyến khích hình thức này.
Hiện nay, các hệ thống nhà thuốc đang từng bước trở thành một mô hình đặc thù trong chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam. Trong đó, một số chuỗi nhà thuốc được hình thành với số lượng lớn...
Các hệ thống chuỗi nhà thuốc đang phát triển mạnh theo chiều rộng hoặc tập trung chiều sâu, chuyên môn hóa cao. Với khối lượng chuỗi lớn như vậy, các nhà thuốc trong chuỗi hiện nay vẫn được hoạt động riêng lẻ, khá độc lập, dẫn đến tăng chi phí cho quản lý hành chính và doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và không có cơ sở pháp lý thông thoáng, khuyến khích cho việc phát triển chuỗi nhà thuốc.
Vì vậy, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược đã bổ sung thuật ngữ và các nội dung có liên quan về điều kiện kinh doanh đối với loại hình hình doanh mới là chuỗi nhà thuốc.
- Xin ông cho biết cụ thể các điểm chính về chuỗi nhà thuốc được quy định thế nào trong dự thảo bổ sung, sửa đổi Luật Dược?
TS Lê Việt Dũng: Việc bổ sung quy định cụ thể về chuỗi nhà thuốc nhằm thống nhất cách thức quản lý; nâng cao tính chuyên môn hóa và hiện đại hóa hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc. Điều 17a và 47a đã quy định những đặc trưng cơ bản của chuỗi nhà thuốc mà các cơ sở bán lẻ độc lập không có như:
Về cơ cấu tổ chức: chuỗi gồm 2 phần cấu thành cơ bản là: cở sở tổ chức chuỗi và các nhà thuốc trong chuỗi.
Về điều kiện: chuỗi nhà thuốc hoạt động theo cơ chế quản lý thống nhất, tất cả các hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi do doanh nghiệp tổ chức chuỗi chịu trách nhiệm; quy định cụ thể điều kiện của cơ sở tổ chức chuỗi và điều kiện của các nhà thuốc trong chuỗi.
Về quyền và trách nhiệm: Cơ sở tổ chức chuỗi quản lý toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc cung ứng, lưu thông, tồn trữ bảo quản thuốc và các dữ liệu của các nhà thuốc trong chuỗi; chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi. Để tương ứng với trách nhiệm trên, dự thảo cũng quy định quyền của cơ sở tổ chức chuỗi với những quyền lợi trực tiếp như:
Được luân chuyển thuốc giữa kho trung tâm với các nhà thuốc và giữa các nhà thuốc có phạm vi kinh doanh tương đồng trong chuỗi. Việc luân chuyển thuốc do dược sỹ phụ trách chuyên môn của doanh nghiệp tổ chức chuỗi điều phối;
Được luân chuyển người phụ trách chuyên môn của các nhà thuốc trong chuỗi và chỉ cần thông báo tới cơ quan quản lý chứ không cần làm thủ tục đề nghị cấp lại/ điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Các quyền lợi này giúp cơ sở tổ chức chuỗi hoạt động linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng thuốc và chất lượng phục vụ.
Bên cạnh các quyền lợi trực tiếp, doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc có thể có các quyền lợi phái sinh như đàm phán mua thuốc để cung cấp cho toàn bộ các nhà thuốc tỏng chuỗi với giá cả hợp lý; tạo dựng uy tín thương hiệu.
- Vậy người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc điều chỉnh chính sách này, thưa ông?
TS Lê Việt Dũng: Mục tiêu lớn nhất của việc công nhận và pháp quy hóa loại hình chuỗi nhà thuốc là nhằm chuyên môn hóa, hiện đại hóa hệ thống bán lẻ thuốc.
Hiện nay, cả nước có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc với quy mô và cơ số thuốc cung ứng không đồng đều.
Việc hoạt động chuyên môn hóa, dự kiến, sẽ nâng cao chất lượng thuốc đáng kể (ví dụ như cho phép điều chuyển thuốc giữa các nhà thuốc trong chuỗi sẽ hạn chế được tình trạng thuốc chậm luân chuyển dẫn đến không đáp ứng về hạn dùng, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc).
Do yêu cầu quản lý thống nhất trong toàn hệ thống của chuỗi nên các cơ sở bắt buộc phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Việc này rất có lợi cho việc truy xuất thông tin về nguồn gốc của thuốc, quản lý thông tin khách hàng giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Các chuỗi cũng có lợi thế cạnh tranh về giá cả do phải cung ứng thuốc cho nhiều nhà thuốc trong chuỗi nên có cơ hội đàm phán giá với nhà cung cấp để mua thuốc, do đó, có thể cung cấp cho toàn bộ các nhà thuốc trong chuỗi với giá cả hợp lý.
Dự kiến, khi các chuỗi nhà thuốc được hình thành sẽ tạo ra động lực cạnh tranh, đòi hỏi các nhà thuốc truyền thống phải cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đào thải các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.
Trên hết của tất cả những thay đổi trên là người dân được hưởng chế độ phục vụ tốt với thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý.