Dự thảo thỏa thuận về đại dịch:'Lỡ hẹn' với lộ trình y tế toàn cầu

Với chủ đề 'Tất cả vì sức khỏe, sức khỏe cho tất cả', Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 77 diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 27-5 đến 1-6 nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của đoàn kết toàn cầu nhằm đạt được một thế giới lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, kế hoạch đạt được một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về đại dịch có tính ràng buộc về mặt pháp lý sau đại dịch Covid-19 để hội nghị lần này chính thức phê duyệt đã “lỡ hẹn”.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu.

Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 77 quy tụ các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách từ tất cả 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), diễn ra vào thời điểm cộng đồng y tế toàn cầu đánh dấu kỷ niệm 50 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng - chương trình đã cứu sống hơn 154 triệu sinh mạng trong 5 thập kỷ qua. Ngoài cột mốc quan trọng này, nhiều chủ đề ưu tiên cũng được bàn thảo như cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, nguy cơ kháng thuốc kháng sinh và đặc biệt là việc ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai.

Sau khi đại dịch Covid-19 gây ra những đợt phong tỏa chưa từng có, khiến nền kinh tế trì trệ và cướp đi hàng triệu sinh mạng, các nhà lãnh đạo của WHO và trên toàn thế giới đã cam kết sẽ làm tốt hơn trong tương lai. Vào năm 2021, nhiều quốc gia thành viên đã yêu cầu cơ quan y tế của Liên hợp quốc giám sát các cuộc đàm phán, tìm ra cách thức để thế giới có thể chia sẻ tốt hơn các nguồn tài nguyên khan hiếm và ngăn chặn nguy cơ vi rút lây lan trên toàn cầu thông qua một hiệp ước.

Thỏa thuận về ứng phó đại dịch đề cập đến nhiều khía cạnh cũng như thách thức, nhưng vắc xin vẫn là vấn đề nổi cộm. Theo các chuyên gia y tế, việc bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng hơn với vắc xin và các phương pháp điều trị khác trong trường hợp xảy ra đại dịch trong tương lai là cần thiết, nhưng đang có sự khác biệt về quan điểm giữa các nước thành viên WHO. Một điểm vướng mắc liên quan là Luật Sở hữu trí tuệ và khả năng chia sẻ bằng sáng chế giữa các nước phát minh ra vắc xin và phương pháp điều trị với quốc gia khác.

Roland Driece, một thành viên ban đàm phán thỏa thuận của WHO thừa nhận các nước không thể đưa ra dự thảo vì vẫn còn sự khác biệt lớn trong việc chia sẻ thông tin về các mầm bệnh và công nghệ để phòng chống. Mới đây, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden bày tỏ quan điểm không đồng tình với nội dung dự thảo hiệp ước, tập trung vào các vấn đề như “cắt bỏ quyền sở hữu trí tuệ” và “tăng cường cho WHO”. Còn Bộ Y tế Anh cho biết, London sẽ chỉ đồng ý một thỏa thuận nếu tuân thủ lợi ích và chủ quyền quốc gia của Anh. Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển cho rằng, thật không công bằng khi họ có thể phải cung cấp các mẫu vi rút để giúp phát triển vắc xin và phương pháp điều trị nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những vắc xin này...

Tại Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 77, đại diện các quốc gia sẽ phải rút ra những kinh nghiệm để vạch ra hướng đi tiếp theo cho thỏa thuận toàn cầu về đại dịch. Trước mắt, các nhà đàm phán đang nghiêng về xu hướng xây dựng dự thảo mới chỉ tập trung vào việc thiết lập khung cơ bản, dịch chuyển thời gian bàn bạc chi tiết sang các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra vào năm 2026, trong đó có cách thức vận hành Hệ thống chia sẻ lợi ích và quyền tiếp cận mầm bệnh (PABS).

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh vi rút cúm gia cầm H5N1 có dấu hiệu lây lan mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới. WHO đã phát hiện vi rút H5N1 với nồng độ rất cao trong sữa nguyên liệu hoặc sữa chưa thanh trùng từ những con bò mắc bệnh. Điều này gây ngạc nhiên cho các chuyên gia vì bò vốn không dễ mắc H5N1. Hiện tại, không có bằng chứng H5N1 lây từ người sang người, nhưng các quan chức y tế quan ngại rằng, nếu vi rút lây lan rộng sẽ biến đổi thành một dạng có thể lây truyền giữa người với người. Chừng nào H5N1 còn tiếp tục lưu hành và kết hợp với các loài động vật, vi rút này vẫn có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh và thậm chí có khả năng dẫn đến đại dịch.

Vì vậy, một thỏa thuận cuối cùng của toàn cầu về đại dịch vẫn là mục tiêu quan trọng để bảo đảm phản ứng hiệu quả hơn đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai. Như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: “Thỏa thuận toàn cầu về đại dịch có thể tổng hợp tất cả kinh nghiệm, thách thức mà chúng ta đã phải đối phó, cũng như tất cả các giải pháp thành một phương án toàn diện, giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho tương lai”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/du-thao-thoa-thuan-ve-dai-dich-lo-hen-voi-lo-trinh-y-te-toan-cau-667698.html