Dù tuổi cao, bố chồng vẫn nhất quyết đòi đi làm

Sau khi mẹ chồng mất, hai vợ chồng tôi đón bố lên ở cùng. Thế nhưng, dù chúng tôi không để ông phải lo nghĩ gì về chuyện tiền bạc, bố chồng vẫn nhất quyết đòi đi làm, dù đã tuổi cao sức yếu.

Từ ngày mẹ mất, hai vợ chồng tôi đón bố về ở cùng, không để bố phải lo lắng gì về tiền bạc. Thế nhưng, bố chồng vẫn nhất quyết đòi đi làm dù đã tuổi cao sức yếu, khiến vợ chồng tôi không biết làm thế nào.

Trước đây, bố chồng tôi sống với hai vợ chồng người anh cả ở dưới quê. Thế nhưng, anh chồng tôi hay thích cờ bạc, rượu chè, lại thêm người chị dâu có tính chanh chua, nói năng chẳng bao giờ nhường nhịn ai nên bố rất không hài lòng. Hai người cũng thường xuyên cãi vã, khiến gia đình không ngày nào yên. Ngày xưa mẹ chồng còn sống, hai ông bà còn nương tựa lẫn nhau. Nhưng đầu năm nay, mẹ chồng tôi đã mất do bệnh nặng. Thương bố, lại thấy tình cảnh gia đình dưới quê như vậy, nên vợ chồng tôi mời bố lên sống chung trên thành phố.

Bố chồng ở cùng chúng tôi không phải lo nghĩ gì nhưng vẫn nhất quyết đòi đi làm (Ảnh minh họa)

Bố chồng ở cùng chúng tôi không phải lo nghĩ gì nhưng vẫn nhất quyết đòi đi làm (Ảnh minh họa)

Mảnh đất, căn nhà ở quê giao lại cho anh trai chồng, bố chuyển lên sống cùng vợ chồng tôi trong căn nhà 3 tầng khang trang. Tiền lương hưu của bố chỉ có mình bố giữ. Chúng tôi dành cho bố căn phòng riêng rộng rãi, trong phòng có đầy đủ điều hòa, tủ lạnh mini, ti vi, nhà vệ sinh. Chỉ cần ông thích ăn gì là chúng tôi đều mua cho ông ăn. Hai đứa con tôi cũng rất hiếu thảo, hay quấn quít ông. Chúng tôi mong có thể giúp bố nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất vợ, cũng để bố an hưởng tuổi già.

Thế nhưng, do là dân lao động, ông lại không quen ngồi không. Lên ở với chúng tôi được tầm một tháng, ông đã đòi đi làm. mặc chúng tôi hết lời ngăn cản. Ban đầu, bố làm xe ôm, chạy xe khắp cả ngày không quản nắng mưa, đến tận khuya mới về. Bố bảo, bố già rồi, một phần đi làm cho có bạn có bè, một phần dành chút tiền mua quà mua bánh cho mấy đứa cháu. Trên đường lái xe mà thấy ai tội nghiệp, ông lại mua cho họ cái bánh mì, hộp sữa, coi như làm phúc. Thấy có những người nghèo khổ quá, ông còn chở họ không lấy tiền.

Thế nhưng, mấy tháng chạy xe ôm, bố tôi gầy sọp đi, đen đúa sức khỏe cũng yếu hẳn, nhìn mà xót xa. Lúc này, chồng tôi cương quyết bắt bố nghỉ, bảo ông làm việc gì nhẹ hơn, chứ không để ông lái xe nữa. Thế là chồng tôi xin cho bố làm bảo vệ ở cửa hàng dưới nhà. Thế nhưng, làm bảo vệ cũng không ổn. Ông già rồi, chân tay có phần yếu, mấy hôm trước dắt xe cho khách không cẩn thận bước hụt, bị cả cái xe SH đè vào chân. Hôm đó, chồng tôi phải đến tận nơi đưa bố tôi đi viện thì phát hiện bố bị trật khớp chân.

Chồng tôi tức giận bảo bố nghỉ việc luôn chứ không làm lụng gì nữa. Bố tôi cứ ậm ừ, nhưng có vẻ buồn buồn. Lỡ như hàng xóm láng giềng, họ hàng hai bên biết được ông vẫn đi làm khổ nhọc như vậy thì họ nghĩ thế nào về vợ chồng tôi? Nhưng nếu như bố khỏe lại rồi tiếp tục đòi đi làm thì sao?

Thanh Huyền/VOV.VN (ghi)

Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/du-tuoi-cao-bo-chong-van-nhat-quyet-doi-di-lam-post1053841.vov