Dư vị tết bản

Khi những cánh hoa đào bung nở, đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Mông, Xạ Phang, Hà Nhì… ở khắp các thôn, bản vùng cao Điện Biên lại rộn ràng những bộ váy áo, cùng nhau so tiếng đàn, tiếng khèn, cất vang tiếng hát. Tết ở bản giờ đã no đủ rồi, lời hát, điệu múa dường như cũng ngọt ngào hơn.

Phụ nữ Xạ Phang ở bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) chuẩn bị nguyên liệu làm bánh hoa gạo.

Phụ nữ Xạ Phang ở bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) chuẩn bị nguyên liệu làm bánh hoa gạo.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Xạ Phang ở bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) ngày nay đã ăn tết cùng với tết cổ truyền của dân tộc. Từ đầu tháng Chạp, những gia đình người Xạ Phang sửa sang nhà cửa, chuẩn bị nguyên liệu làm bánh hoa gạo (theo tiếng Xạ Phang là “mi hóa”) món bánh không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Những người phụ nữ trong gia đình sẽ tự tay may những bộ quần áo truyền thống để người thân trong gia đình mặc trong những ngày tết.

Thường lệ, mỗi gia đình ở Huổi Lèng đều nuôi một con lợn để cuối năm mổ ăn tết. Việc mổ lợn đón tết sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10 dương lịch, bởi đồng bào Xạ Phang thường có món thịt ướp muối, hun khói rồi treo lên hiên nhà để ăn dần. Đây cũng là một cách bảo quản thực phẩm độc đáo tạo ra hương vị rất riêng biệt của người Xạ Phang.

Việc quan trọng nhất của mỗi nhà là chọn ngày đẹp trong 10 ngày còn lại cuối năm để đón thầy cúng về làm lễ, trước là để cúng tổ tiên, thông báo năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới. Trong mâm cúng truyền thống của người Xạ Phang không thể thiếu các loại hoa quả như cam, quýt, bưởi cùng các loại hoa quả khác tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Anh Sần Sú Tề, Trưởng bản Huổi Lèng chia sẻ: Theo phong tục, ngày mùng 1 tết, người Xạ Phang dành riêng để tổ chức các lễ cúng và mừng tuổi người trong gia đình. Từ mùng 2 trở đi mọi người mới ra khỏi nhà đi chúc tết, mừng tuổi bà con, bạn bè với hy vọng một năm mới nhiều may mắn.

Với đồng bào dân tộc Thái, sau khi hoàn tất công việc cuối năm, cứ đến ngày 30 tết, phụ nữ lại cùng nhau ra suối để làm lễ gội đầu cuối năm. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân tộc Thái Điện Biên gìn giữ, khơi dậy cho đến hôm nay và được thể hiện mỗi dịp tết đến xuân về.

Bà Quàng Thị Lả, bản Na Vai, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) kể: “Để có được nước gội đầu, trước đó hàng tuần, các gia đình đã vo gạo nếp lấy nước đổ vào chậu cất giữ càng lâu càng tốt, ủ cho chua lên rồi gạn lấy nước đậm đặc gội đầu. Với hi vọng xua đi những điều không may mắn của năm cũ và cầu mong nhiều điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Vừa tưới nước vo gạo lên tóc những người phụ nữ vừa nói “Năm hết tết đến, tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ở lại, cái xấu cái cũ hãy đi xa mãi theo dòng chảy, cầu mong cho năm mới làm ăn phát đạt, mọi người trong gia đình mạnh khỏe và thêm nhiều may mắn”.

Những chàng trai, cô gái người Mông đi chơi hội xuân đầu năm.

Những chàng trai, cô gái người Mông đi chơi hội xuân đầu năm.

Cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 40km, bản Tìa Ló B, xã Noong U (huyện Điện Biên Đông) là nơi định cư 82 hộ dân đồng bào Mông. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, sở hữu khí hậu quanh năm mát mẻ, Tìa Ló B đang được xây dựng trở thành điểm du lịch cộng đồng. Tết năm nay với người dân bản Tìa Ló B sẽ là cái tết khang trang, đủ đầy hơn khi trong năm vừa qua bản được quan tâm hỗ trợ cải tạo cảnh quan, đầu tư cơ sở vật chất.

Chia sẻ với chúng tôi về phong tục đón tết của đồng bào Mông, theo anh Hờ A Sếnh, Bí thư Chi bộ bản Tìa Ló B, người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Những ngày cận tết, từng cái cuốc, con dao, cái cày, cái bừa trong nhà đều được cọ rửa sạch sẽ dán giấy đỏ lên từng món đồ vật. Bởi với người Mông, đồ vật cũng như con người. Năm mới, người nghỉ, đồ cũng phải nghỉ.

Đi chơi hội xuân là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông vào dịp đầu năm mới. Những chàng trai, cô gái người Mông xúng xính trong các bộ váy áo truyền thống rực rỡ sắc màu, cùng nhau đi chơi hội. Hội xuân thường được tổ chức trên bãi đất trống đầu bản, cũng có khi là ngay trên ruộng lúa vừa gặt, với các trò chơi dân gian, như: Đánh tù lu, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và cả những tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc.

Ném pao là trò chơi được đồng bào Mông chơi nhiều nhất trong những ngày du xuân. Ném pao chính là cách người Mông bày tỏ tình cảm với nhau, tùy theo lứa tuổi, họ sẽ tự chọn bạn chơi với mình. Người chơi chia làm hai bên nam - nữ, đứng đối diện nhau, mỗi bên từ 3 - 10 người. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Cứ thế, quả pao bay qua bay lại, mang theo cả ánh mắt, nụ cười mà đôi trai gái gửi trao nhau.

Năm mới, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát của những chàng trai cô gái vấn vít trong nắng mai, trong những tà váy rực rỡ sắc màu. Bản làng bừng sức sống, tết đã về, như lời hẹn cho một năm mới vạn sự bình an.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/du-vi-tet-ban