Không cấp thẻ nhà báo cho các tạp chí khoa học là bất cập, thiếu khoa học, không công bằng
Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (23.4).
Đề xuất không cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các tạp chí khoa học nằm trong khoản 1 Điều 29 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung.
Tại hội thảo, ông Trần Trọng An - Phó tổng biên tập Tạp chí Gia đình mới - nêu ý kiến "tạp chí khoa học thì cũng phải đi lấy thông tin, tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước. Việc không cấp thẻ nhà báo có thể làm giảm động lực, hạn chế quyền lợi trong việc tiếp cận thông tin, gây ảnh hưởng đến chất lượng thông tin".
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Tạ Văn Mây – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Xã hội: "Những tạp chí khoa học trong quá trình hoạt động cần những thông tin đa chiều, những ý kiến phản biện khoa học, những luận chứng khoa học, nếu không có thẻ nhà báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động; đồng thời triệt tiêu tâm huyết của những người tham gia hoạt động khoa học, đặc biệt là thế hệ trẻ".

Hội thảo góp ý về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội vào hôm nay (23.4).
Ông Chử Đức Toàn, Tổng biên tập Tạp chí Sinh thái nông nghiệp, nói rằng việc không cấp thẻ nhà báo cho người làm việc tại tạp chí khoa học sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người làm việc tại các tạp chí khoa học và các tạp chí thuộc lĩnh vực khác, đồng thời gây khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.
Ông Toàn đề xuất "cần phân biệt rõ hơn những tạp chí khoa học thuần túy với tạp chí khoa học có tính chất phổ biến kiến thức, tham gia phản biện chính sách. Nên duy trì việc cấp thẻ nhà báo cho người làm việc tại các tạp chí thuộc nhóm thứ hai này".
Ông Đặng Đình Chấn – Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập, phát biểu: "Việc không cấp thẻ nhà báo cho các tạp chí khoa học là không phù hợp với thực tiễn phát triển. Nếu chỉ căn cứ vào một số sai phạm của rất ít các tạp chí khoa học mà đưa ra những nội dung điều luật làm hạn chế tới hoạt động chung của các tạp chí khoa học là không thỏa đáng, đi ngược lại với tư duy chỉ đạo của Trung ương là “không được phép không quản được thì cấm”. Trong khi lẽ ra cần phải tăng cường các chế tài xử lý mạnh mẽ và triệt tiêu những sai phạm không đáng có để giúp cho đội ngũ những người làm báo khoa học Việt Nam ngày càng lớn mạnh; đồng thời để tạo ra những không gian phát triển tốt hơn nữa cho tạp chí khoa học Việt Nam ngày một vươn tầm hội nhập với thế giới.
VUSTA là tổ chức tập hợp các nhà khoa học Việt Nam. Trong các tổ chức thành viên của VUSTA hiện có gần 70 tạp chí.