Đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất

Tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã xác định kiên định mục tiêu bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây được xem là mục tiêu có nhiều thách thức, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng, chúng ta sẽ đạt được vì đã có nhiều chính sách quan trọng được ban hành trong thời gian qua; đồng thời, có sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Sẽ đạt được mục tiêu đề ra

Tại Nghị quyết số 101, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đánh giá về mục tiêu này, tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội vẫn kiên định mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế dù đây là mục tiêu nhiều thách thức.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Điều này có thể thấy ngay trong hai kịch tăng trưởng kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào ngày 4.7. Theo đó, kịch bản 1 sẽ là tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%. Kịch bản 2 sẽ là tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Hai kịch bản tăng trưởng này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao, trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023.

Nhưng, như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, thì tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay phải đạt từ 8-8,9%. Đây là một thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, quý III năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 13,71%; còn quý IV là 5,92%. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay cho thấy, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khi mà kinh tế toàn cầu cũng còn nhiều yếu tố bất định, chưa thể sớm phục hồi.

Dù có nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2023, nhưng tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những quyết sách của Trung ương, của Quốc hội vừa qua và sự triển khai hiệu quả của các cấp, các ngành, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Trong đó, như phân tích của Chủ tịch Quốc hội, chỉ riêng đầu tư công, nếu các địa phương, bộ, ngành quyết liệt hơn nữa, triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trong năm nay thì sẽ giúp tăng GDP khoảng 2%. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính toán, cân nhắc với Chính phủ trình Quốc hội thống nhất quyết nghị phân bổ thêm khoảng 100 nghìn tỷ đồng để bổ sung vốn cho nền kinh tế thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội... Hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của hai luật về xuất cảnh, nhập cảnh vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kích thích cả du lịch, hàng không phát triển, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư...

Phát huy vai trò giám sát, thúc đẩy thực thi hiệu quả các quyết sách

Để các quyết sách và nguồn lực đã được phân bổ tại Kỳ họp này được sử dụng hiệu quả, bên cạnh nỗ lực thực thi từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải, mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần phát huy vai trò giám sát quá trình thực thi các Nghị quyết, quyết định của Quốc hội. Qua đó, góp phần bảo đảm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh tại các địa phương.

Thực tế, tại Nghị quyết số 101, Quốc hội đưa yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ; nghiên cứu xây dựng tiêu chí, phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội.

Do vậy, dù tại Kỳ họp thứ Năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp, nhưng đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đã sử dụng quyền chất vấn bằng văn bản với những vấn đề cần có lời giải thấu đáo hơn về tình trạng mặt bằng lãi suất thực cho vay doanh nghiệp và người dân ở mức cao và khá lâu so với nhiều nước trong khu vực. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh, những động thái chính sách và biện pháp điều hành nghiệp vụ của Thống đốc thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng thật khó phủ nhận rằng hiệu lực, hiệu quả của chúng đối với mục tiêu cuối cùng mà Quốc hội và Chính phủ yêu cầu là chưa đạt, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có đánh giá. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong đó đã nêu rõ các giải pháp được Ngân hàng Nhà nước triển khai trong thời gian qua, các kết quả đạt được và thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, tồn tại hiện nay.

Bên cạnh yêu cầu đối với chính sách tiền tệ, tại Nghị quyết số 101, Quốc hội cũng đưa ra nhiều yêu cầu khác về điều hành chính sách tài khóa; nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước; tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá; tăng cường cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm....

Từ Kỳ họp thứ Năm đến nay, như chia sẻ của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu, các đại biểu Quốc hội, với nhiều cách thức khác nhau, cũng đang nỗ lực thực hiện vai trò giám sát, thúc đẩy việc đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Khó khăn, thách thức trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Nhưng, với những quyết sách của Trung ương, của Quốc hội, sự triển khai hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tin rằng, như Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với cử tri huyện Vĩnh Bảo "tình hình tuy khó nhưng chúng ta sẽ làm được".

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dua-cac-quyet-sach-cua-quoc-hoi-vao-cuoc-song-nhanh-nhat-hieu-qua-nhat-i335081/