Dừa cho mật ngọt
Các nhà vườn Bến Tre nay đã có một lối thoát cho tình trạng dừa ngon giá thấp suốt nhiều mùa qua khi chuyển sang khai thác mật hoa dừa. Nguồn huê lợi từ mật hoa dừa mang lại cho các chủ vườn dừa cao gấp 3-4 lần so với chỉ bán dừa trái.Khai thác mật hoa dừa không chỉ thu lợi nhuận cho nhà vườn và doanh nghiệp mà còn góp phần giữ và phát triển diện tích trồng dừa ở Bến Tre tình trạng giá dừa bị sụt giảm triền miên.
Khi đi thực tế cùng anh Tô Chí Hải, Giám đốc Công ty TNHH mật dừa Bến Tre, tôi không khỏi lạ mắt khi thấy nhiều nhà vườn ở xã An Khánh, Châu Thành, Bến Tre cắt gọt lưỡi mèo chưa bung nở bông trên cây dừa xiêm, sau đó dùng túi nylon buộc phần cuối vừa cắt gọt. Hỏi ra thì đây là kỹ thuật lấy mật hoa dừa.
Thu huê lợi cao từ mật hoa dừa
Ông Nguyễn Phương Bình, một thợ lấy mật hoa dừa ở ấp An Phú, cho biết một bắp hoa dừa (lưỡi mèo) có thể cho mật trong 30 ngày hoặc hơn nữa, mỗi ngày vạt mỏng bắp hoa hai lần sáng và chiều, mật sẽ tươm ra và chảy vào túi nylon. Một bắp hoa dừa xiêm có thể cho 30 lít mật tươi hoặc nhiều hơn. Giá thu mua của công ty từ 8.000-10.000 đồng/ki lô gam, tùy theo chất lượng mật.
Ông Tô Chí Hải, Giám đốc Công ty TNHH Mật dừa Bến Tre
Cây dừa cỡ hai hoặc ba tháng tuổi cho ba lưỡi mèo, người lấy mật quen mắt thường sẽ chọn hai bắp hoa to, mập để có thể lấy được nhiều mật nhất. Trước khi lấy mật hoa ba ngày, người thợ phải gõ vào bắp hoa (massage) để làm vỡ tuyến mật, rồi mới cắt cho dòng mật tuôn ra. Cây dừa xiêm chăm sóc tốt hai năm rưỡi thì trổ lưỡi mèo, bắt đầu thời điểm cho mật. Nhà vườn cho hay lưỡi mèo cây dừa mấy năm đầu ít đậu trái nên bà con tận dụng thời điểm này để lấy mật, nhưng việc khai thác mật hoa dừa không làm mất sức cây dừa như nhiều người nghĩ. Ở xã An Khánh, trên một cây dừa xiêm xanh ba bắp hoa, nhà vườn chỉ dành hai bắp hoa để lấy mật và để bắp hoa còn lại được đậu trái bình thường.
Những nhà vườn ở đây làm phép tính: một bắp hoa cho 30 ki lô gam mật, với giá 8.000 đồng/ki lô gam sẽ được 240.000 đồng. Nếu để trái đem bán thì giá bán bình quân một chục dừa 12 trái chỉ 60.000 đồng. Nhưng giá dừa xiêm xanh trong hai năm qua giảm khá sâu, chỉ còn ở mức 25.000-40.000 đồng/chục (đã loại trái nhỏ, trái sẹo – NV). Và không phải lúc nào dừa xiêm cũng cho trái nhiều, quày dừa gặp nắng gắt cũng bị treo và đậu trái thưa thớt. Vậy nên, nhà vườn nghiêng theo hướng khai thác mật hoa dừa để bán hơn là vừa năn nỉ vừa bán dừa trái cho nhà thu mua.
Ông Nguyễn Văn Chiến, một nông dân ở ấp An Phú cho biết, ông có gần hai công đất (khoảng 2.000 mét vuông) trồng 50 cây dừa xiêm được 5 năm tuổi, mỗi ngày ông tự lấy mật bán cho công ty với giá 8.000-10.000 đồng/ki lô gam, mỗi tháng thu về được 6-7 triệu đồng. Còn nếu để bán trái (theo chục) trong thời giá hiện tại thì dù là dừa loại 1 cũng chỉ chừng 30.000 đồng mỗi ki lô gam nên bình quân mỗi tháng cũng chỉ thu về được 1triệu đồng. Huê lợi từ khai thác mật hoa dừa cao hơn lại không phải chặt bỏ dừa trồng cây khác như trước đây nên bà con rất thích. Tuy nhiên, để cây dừa cho lưỡi mèo đều đặn, phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, bón đủ phân hữu cơ và tưới nước giữ ẩm vào mùa nắng.
Khi được hỏi vì sao dừa xiêm cho nguồn huê lợi từ mật hoa dừa cao như vậy mà công ty không khai thác mật ở cây dừa ta (dừa thu hoạch trái khô)? Ông Tô Chí Hải cho biết dừa ta cho mật nhiều hơn nhưng lạt hơn, giống như nước dừa xiêm ngọt hơn nước dừa ta vậy, nên mật hoa dừa xiêm có giá trị hơn.
Ngoài hợp tác với nhà vườn khai thác mật hoa dừa, công ty cũng thu mua bắp hoa dừa xiêm (là 80.000 đồng/bắp) từ các nhà vườn trồng ít dừa xiêm và không tự khai thác mật hoa dừa. Các kỹ thuật viên của công ty sẽ đến tận vườn để hướng dẫn nhà vườn cách khai thác mật hoa dừa hoặc sẽ thu hoạch mật nếu trước đó công ty đã thu mua bắp hoa.
Mật hoa dừa nước
Không chỉ dừa xiêm mà dừa nước cũng được dùng lấy mật. Ông Lê Minh Cường, một nông dân ở ấp An Phú, xã An Khánh, cho biết trước đây nhà vườn trồng dừa nước chỉ lấy mật dừa để chế biến nước giải khát hay nấu nước màu kho thịt, cá còn bây giờ họ có thể bán mật đó cho Công ty TNHH mật dừa Bến Tre – có trụ sở tại ấp An Thạnh, xã An khánh, Châu Thành. Còn chủ doanh nghiệp thu mua, ông Tô Chí Hải cho biết mật dừa nước sản xuất thành đường được chuộng hơn đường mía vì cho chỉ số GI (chỉ số đường huyết trong thực phẩm) thấp, dưới mức 55 nên dùng được cho người bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, kỹ thuật lấy mật hoa dừa nước khác với cây dừa xiêm. Theo ông Cường, người “thợ” cần chọn chính xác (quen mắt) quày nào đến tuổi cho mật và xử lý trước 40 ngày bằng cách dùng búa cao su dần lên cuống quày dừa, cứ 2-3 ngày dần một lần. Sau 40 ngày, cắt đứt quày dừa nước và mỗi ngày dạt mỏng cuống quày 2 lần (sáng-chiều), dùng túi ni lông buộc vào nơi cắt để hứng mật. Tôi nếm thử, mật dừa nước có vị ngọt, thơm như mật hoa. Một cuống quày dừa nước cho 2 ki lô gam mật/ngày và tổng cộng cho hơn 60 ki lô gam mật, được gần 500.000 đồng.
Bến Tre có nhiều sông rạch, bãi bồi ven biển, dừa nước được trồng bạt ngàn tích tụ phù sa, giữ đất chống xói lở. Trước đây lá dừa nước dùng lợp nhà, làm vách (nhà cây vách lá) ở rất mát mẻ, ngày nay vật liệu xây dựng nhà ở đa dạng, phong phú, lá dừa nước ít được sử dụng. Dừa nước từng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nay là cảnh quan đẹp của những cung đường du lịch sông nước miền Tây. Cây dừa nước được khai thác mật, nguồn tài nguyên này ở Bến Tre thật là vô hạn. Mật dừa xiêm và dừa nước thật sự đem lại nguồn huê lợi không nhỏ cho người trồng dừa.
Làm người giữ dừa
Khởi nghiệp từ năm 2019, đến nay Công ty TNHH mật dừa Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu 5 héc ta khai thác mật hoa dừa xiêm bán cho nhà máy và công ty đang triển khai dự án trồng dừa xiêm ở ba huyện biển của tỉnh để góp phần chắn gió bão bảo vệ các vùng đất phía sau. Dự án này hiện đang trồng dừa xiêm lấy mật ở cồn Tàu, huyện Bình Đại. Sắp tới công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đường từ mật dừa nước.
Ông Tô Chí Hải kể lại, từ năm 7 tuổi đã theo ông bà ngoại đi lấy nước mật hoa dừa xiêm nên biết kỹ thuật lấy mật từ lưỡi mèo dừa. Lúc bấy giờ, bà ngoại dùng mật hoa dừa làm bánh kẹo bán cho trẻ em trong xóm và nấu nước màu bán ở bến phà Rạch Miễu. Nước màu nấu từ mật hoa dừa có vị thơm ngon hơn nước màu nấu từ nước của trái dừa nên được nhiều cư dân địa phương chuộng dùng và đặt tên “thương hiệu” là nước màu dừa bà Năm Hương.
Từ kinh nghiệm của bà ngoại, ông Hải khai thác mật hoa dừa của dừa xiêm vườn nhà, giới thiệu người quen dùng thử và nhận được nhiều lời khen ngon, nhiều sư thầy ở chùa Tân Thạch mua mật hoa dừa tươi để tủ lạnh dùng giải khát. Ông Hải nhớ lại, khi đem mật hoa dừa của công ty bán ở một số điểm du lịch ở xã Tân Thạch ông đã được một nữ du khách là một vị tiến sĩ người Singapore dùng thử và khen ngon. Bà tiến sĩ còn nán lại nói chuyện và gợi ý cho ông về kỹ thuật bảo quản.
Cùng Công ty TNHH mật dừa Bến Tre, sản phẩm mật hoa dừa tuần tự xuất hiện ở các hội chợ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Công ty được Trung tâm xúc tiến thương mại khuyến khích đăng ký khởi nghiệp, tham dự phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre, dự tập huấn khởi nghiệp của BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TPHCM) và được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ máy chưng cất.
Ngày nay, mật hoa dừa keo đặc của công ty ông Hải đã có bán ở nhiều khu du lịch, điểm dừng chân, một số cửa hàng giải khát ở TP. Bến Tre và đã có mặt ở thị trường TPHCM thông qua nhà bán hàng BamBoo Food. Ông Hải cũng cho biết đã có đối tác nước ngoài đặt mua đơn hàng số lượng lớn nhưng công ty đã phải tạm từ chối vì hiện chưa đủ khả năng cung ứng. Từ nguồn huê lợi mới mật hoa dừa, nhiều nhà vườn ở Bến Tre vững niềm tin “cây dừa, cây sự sống”, giữ và phát triển diện tích trồng dừa. Ông Tô Chí Hải đang tiến tới mục đích của mình là làm người giữ dừa của quê hương.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dua-cho-mat-ngot/