Đưa danh tác Việt đến gần hơn với độc giả hiện đại
Nhiều sách danh tác Việt được xuất bản giúp độc giả có cơ hội thưởng thức lại những tác phẩm từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ dưới hình thức mới mẻ và hấp dẫn.
Trong những năm trở lại đây, nhiều tác phẩm danh tác của Việt Nam đã được các đơn vị xuất bản phát hành lại, dưới hình thức "bình mới rượu cũ".
Nỗ lực này nhằm mang đến cho độc giả hiện đại cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với những truyện ra đời cách đây trên dưới một thế kỷ từng một thời mê đắm lòng người.
Các tác phẩm kinh điển và nổi tiếng từ Bắc vào Nam
Bộ sách Việt Nam danh tác của công ty sách Nhã Nam từ khi ra mắt năm 2014 đến nay đã phát hành 48 tác phẩm của gần 30 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Đây đều là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, được tuyển chọn và in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn nhất, thường là các bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất.
Có thể kể đến như Vang bóng một thời, Chùa đàn của Nguyễn Tuân; Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc của Thạch Lam; Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng; Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Điêu tàn của Chế Lan Viên, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính…
Một tác phẩm đặc biệt của nhà văn Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, dù được nhiều đơn vị phát hành đã xuất bản, nhưng trong năm 2020 vẫn có một ấn bản đặc biệt. Công ty sách Đông A đã tiếp cận nguyên tác truyện Số đỏ của Vũ Trọng Phụng theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938).
Đây là bản Số đỏ đầu tiên được in đầy đủ và cũng là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống với sự tham gia trực tiếp của "ông vua phóng sự đất Bắc". Việc giới thiệu bản in này vừa có ý nghĩa với giới sưu tầm, vừa cần thiết cho những người nghiên cứu về tác phẩm cũng như phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng.
Một loạt các tác giả miền Nam gần đây cũng được chú trọng giới thiệu lại cho độc giả trên khắp cả nước.
Hồ Biểu Chánh là nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20 với gia tài để lại hơn 100 tác phẩm tiểu thuyết và nhiều thể loại khác. Truyện của Hồ Biểu Chánh thường lấy đề tài cuộc sống, với triết lý ở hiền gặp lành, mang đặc trưng không thể lẫn được của người Nam Bộ.
Ông cũng phóng tác truyện từ nhiều tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp. Một vài tác phẩm được in lại gần đây cũng là truyện phóng tác nhưng lấy bối cảnh hoàn toàn ở miền Nam như Cay đắng mùi đời (phỏng theo Không gia đình của Hector Malot), Chút phận linh đinh (phỏng theo Trong gia đình của Hector Malot). Hai truyện còn lại là Ở theo thời và Hai khối tình là do Hồ Biểu Chánh tự sáng tác.
Một cây viết nổi tiếng khác là Bà Tùng Long, tên thật là Lê Thị Bạch Vân với hơn 50 tựa sách tâm lý tình cảm xã hội lấy bối cảnh ở miền Nam trước năm 1975.
Truyện của Bà Tùng Long chủ yếu viết về phụ nữ, nhưng không mang nặng các tư tưởng thành kiến xưa cũ, thay vào đó luôn khuyến khích phụ nữ ý thức vươn lên trong cuộc sống, ca ngợi tình yêu và cái đẹp.
Năm 2019, nhà xuất bản Trẻ in lại 10 tiểu thuyết đặc sắc của Bà Tùng Long để giới thiệu với bạn đọc như Bên hồ Thanh Thủy, Đời con gái, Một vụ án tình, Những ai gieo gió, Bóng người xưa… Trong số này có tác phẩm đã xuất bản, in trên các kỳ báo Sài Gòn xưa, và cũng có cả tác phẩm mới được công bố lần đầu.
"Ông già Nam Bộ" Sơn Nam cũng được nhà xuất bản Trẻ chú trọng và xuất bản lại hàng chục truyện dài, tập truyện, ghi chép, hồi ký, biên khảo… Các tác phẩm tập trung về vùng đất và con người Nam Bộ được nhà văn Sơn Nam bắt đầu viết từ nửa sau của thế kỷ 20 cho đến đầu thế kỷ 21.
Thiết kế đẹp, đồng bộ và thu hút
Không chỉ giới thiệu lại các danh tác nổi tiếng của Việt Nam, các đơn vị xuất bản cũng đầu tư chăm chút cho các cuốn sách, mang đến cho độc giả những bộ sách được thiết kế đồng bộ và đặc sắc.
Truyện Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng gần đây đã được công ty sách Đông A in lại với hình thức mới mẻ và độc đáo. Sách có 20 tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong, được vẽ tay hoàn toàn với hai tông màu đen và hồng, in bìa cứng với chất liệu giấy cao cấp. Ngoài bản in phổ thông, sách còn có bản đặc biệt in bìa da thủ công với số lượng có hạn dành cho độc giả sưu tầm.
Các tác phẩm trong bộ Việt Nam danh tác có bìa sách đều chung một format, hầu hết được thiết kế lại từ tranh minh họa xưa khi truyện được đăng trên ấn phẩm báo và tạp chí. Bìa sách do họa sĩ Tạ Quốc Kỳ Nam thực hiện, chủ yếu tô màu lại trên tranh cũ, sắp xếp bố cục và sáng tạo cách thể hiện tên sách.
Còn bộ sách Bà Tùng Long được họa sĩ Nguyễn Minh Hải vẽ lại hoàn toàn bìa mới với phong cách đồng nhất và mang đậm nét đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ. Tương tự bộ sách của nhà văn Sơn Nam cũng được Nguyễn Minh Hải vẽ mới bìa, lấy chất liệu từ phong cảnh, tập quán, lối sống của các tỉnh thành phương Nam.
Họa sĩ Kim Duẩn là người vẽ bìa cho bộ sách Hồ Biểu Chánh với phong cách đơn giản nhưng vẫn gần gũi và quen thuộc. Anh chia sẻ bản thân cũng là người thích làm bìa sách theo bộ, tạo được sự thống nhất và hài hòa xuyên suốt các cuốn sách.
Việc các bộ sách cùng tác giả hoặc cùng thể loại được thiết kế giống nhau sẽ mang lại giá trị sưu tầm đối với người đọc. Độc giả không chỉ có cơ hội thưởng thức lại những tác phẩm từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ, mà còn được tiếp cận các tác phẩm ấy với hình thức mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn và hiện đại hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dua-danh-tac-viet-den-gan-hon-voi-doc-gia-hien-dai-post1173593.html