Đưa di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh đến gần hơn với du khách
Xứ Thanh với hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Đây là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, không chỉ góp phần làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa mà còn định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch của điểm đến.
Năm 2023, Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sản phẩm du lịch gắn với văn hóa phi vật thể
Những năm qua, du lịch Thanh Hóa ngày càng khẳng định được vị thế, từng bước xây dựng thương hiệu, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của di sản văn hóa phi vật thể. Giờ đây khi nhắc đến Thanh Hóa, người ta nghĩ ngay đến Lễ hội Đền Bà Triệu, Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, Lễ hội đền Độc Cước,... hay dân ca, dân vũ Đông Anh, hò sông Mã...
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ở Thọ Xuân là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn (8-3 âm lịch) ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Năm nay, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức vào dịp rất đặc biệt, cùng với kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng Dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 483/QĐ-BVHTTDL, ngày 6-3-2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Thọ Xuân mà còn là niềm tự hào chung của người dân Thanh Hóa. Lễ hội cũng chính là dịp để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, đồng thời giới thiệu, quảng bá đến du khách thập phương hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Bên cạnh sự “đồ sộ” về di tích, Thọ Xuân còn là quê hương của nhiều lễ hội, trò diễn dân gian độc đáo và đặc sắc. Trong đó, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trò Xuân Phả là một trong những di sản nổi bật, được xem là “độc nhất vô nhị”. Trò được phát tích từ làng Xuân Phả (xã Xuân Trường), gồm 5 điệu múa: Hoa Lang, Tú Huần, Chiêm Thành, Ngô Quốc và Ai Lao. Mỗi điệu múa đều có những đặc trưng riêng về nội dung, cách thức diễn và lời ca. Bằng tài năng, cảm xúc và niềm đam mê nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông, những người nông dân xã Xuân Trường đã đưa trò diễn Xuân Phả vượt ra khỏi không gian sân khấu làng để tỏa sáng và thăng hoa trên nhiều sân khấu, lễ hội, festival văn hóa lớn của đất nước. Qua đó từng bước đưa trò diễn văn hóa dân gian Xuân Phả đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh không thể không nhắc đến hò sông Mã - điệu hò gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ người dân vùng sông nước xứ Thanh. Nhằm phát huy giá trị di sản, trong những năm gần đây, một số chương trình du lịch nội tỉnh, đặc biệt là chương trình city tour khám phá TP Thanh Hóa đã bắt đầu đưa hò sông Mã vào phục vụ khách du lịch.
Nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh không thể không nhắc đến hò sông Mã - điệu hò gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ người dân vùng sông nước xứ Thanh. Nhằm phát huy giá trị di sản, trong những năm gần đây, một số chương trình du lịch nội tỉnh, đặc biệt là chương trình city tour khám phá TP Thanh Hóa đã bắt đầu đưa hò sông Mã vào phục vụ khách du lịch. Trong đó phải kể đến tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” được công bố vào năm 2015, tại bến tàu Hoàng Long. Đây là tuyến du lịch đường thủy đầu tiên tại Thanh Hóa mà mỗi hành trình khám phá đều không thể thiếu điệu hò sông Mã. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào vận hành, khai thác, tour du lịch đã thu hút được khách du lịch, nhờ đó mà điệu hò quê hương xứ Thanh cũng đến gần hơn với du khách. Với sức hấp dẫn và những giá trị đặc trưng riêng, tour “Ngược xuôi sông Mã” ngày càng khẳng định được vị thế, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, trải nghiệm để đưa vào chương trình tour phục vụ du khách.
Bảo tồn và phát triển
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương từ lâu đã được Đảng, Nhà nước ta xác định. Ngay trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng khẳng định du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được tập trung đầu tư phát triển. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch văn hóa sẽ chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Theo đó, tập trung bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch từ di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là một hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn mới. Với định hướng đó, trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các địa phương đã tập trung khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng phục vụ du khách.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch văn hóa sẽ chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Quang Trọng cho biết: “Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang triển khai một số nội dung như: tổ chức các lớp truyền dạy kiến thức và kỹ năng thực hành dân ca, dân vũ tại cộng đồng của các dân tộc Mông, Mường, Dao, Thái, Thổ, Khơ Mú. Phục dựng một số hoạt động sinh hoạt thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc gắn với hoạt động phát triển du lịch và nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Cùng với đó, xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh”.
Trong thời gian tới, để các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động du lịch của tỉnh, góp phần thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân và du khách, tỉnh cần tiếp tục làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, cần tiếp tục điều tra, sưu tầm, nghiên cứu toàn diện các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh có nguy cơ bị thất truyền nhằm có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Mặt khác, tăng cường tổ chức tập huấn, các hoạt động truyền dạy tại cộng đồng, đặc biệt đối với các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh; nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đối với sự phát triển bền vững của du lịch.