Đưa di sản Việt Nam ra thế giới

Những di sản văn hóa đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút du khách nước ngoài đến với chúng ta.

TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, những di sản văn hóa đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. (Nguồn: VOV)

TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, những di sản văn hóa đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. (Nguồn: VOV)

Cầu nối di sản Việt

Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản giá trị. Đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, trong đó có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Hỗn hợp. Các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực cho việc phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước.

Các danh hiệu này cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn. Năm 2022, Việt Nam trúng cử Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, có thêm 4 danh hiệu/di sản được quốc tế ghi danh.

Trong công tác ghi danh, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam, Bộ Ngoại giao chính là cầu nối quan trọng. Từ đó, quốc tế có thể hiểu hơn về những giá trị toàn cầu của văn hóa, của di sản Việt Nam, hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

Những di sản được công nhận không phải chỉ về chuyên môn, giá trị của chính di sản mà còn là tình cảm của thế giới đối với chúng ta. Họ yêu mến văn hóa của chúng ta, họ yêu mến cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Hát xoan, Hoàng thành Thăng Long, Nhã nhạc Cung đình Huế…

Tôi tin rằng, với những di sản chúng ta được công nhận, nhân dân thế giới, các tổ chức quốc tế càng hiểu hơn về dân tộc Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

Theo tôi, cơ đồ chúng ta có được không phải chỉ về vật chất, theo tôi đó chính là niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và cơ đồ này cần phải được phát huy.

Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Những người làm công tác ngoại giao và văn hóa cần phối hợp với nhau, vừa bảo vệ vừa tôn vinh những di sản văn hóa của nước nhà. Đồng thời, người dân cũng cần trân trọng những thành quả ngoại giao đã đạt được, phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy những thành tựu đó.

Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. (Nguồn: phuhunglife)

Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. (Nguồn: phuhunglife)

Nâng cao vị thế quốc gia

Có thể nói, cộng đồng quốc tế đánh giá cao giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như chính sách của Việt Nam luôn coi trọng văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực cho phát triển bền vững.

Để thúc đẩy ngoại giao văn hóa, ngoại giao di sản trong thời gian tới, theo tôi cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa với các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, thu hút các nguồn lực bên ngoài.

Bên cạnh đó, để gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên toàn cầu, chúng ta cũng cần phát huy sức mạnh mềm. Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã xác định ngoại giao văn hóa thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Từ đó, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt cũng như khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.

Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã được ông cha ta vận dụng linh hoạt, khéo léo trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Thời chiến tranh, chúng ta khẳng định tinh thần yêu chuộng hòa bình. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, ngành ngoại giao càng phát huy hơn tinh thần đó. Đường lối chiến lược ngoại giao của chúng ta đã đem lại thành công đáng tự hào. Các cơ quan đại diện của chúng ta ở nước ngoài ngày càng có uy tín cao.

Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt. Những cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài chính là cầu nối quan trọng giúp các dân tộc, đất nước, vùng lãnh thổ trên thế giới hiểu một cách đúng đắn về Việt Nam. Đó là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có nền văn hóa lâu đời và giàu bản sắc. Từ quan hệ hợp tác, thế giới ngày càng thấy người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế; đồng thời vai trò, vị thế của nước ta ngày càng cao, đi vào thực chất, đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Nguyệt Hà (ghi)

TS. Nguyễn Viết Chức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-di-san-viet-nam-ra-the-gioi-252515.html