Đưa múa bát trở thành nét văn hóa cộng đồng - Bài 1: Bảo tồn và lan tỏa

Múa bát, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng và tâm hồn người dân tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, việc bảo tồn và lan tỏa điệu múa này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Nét văn hóa truyền thống

Văn hóa phi vật thể của người Tày Bắc Kạn rất phong phú từ thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, lễ hội truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ phổ biến như lượn slương, lượn cọi, phong slư, hát ru, hát quan làng; múa bát, múa chầu, múa quạt và múa nghi lễ trong then… Trong đó, múa bát là điệu múa cổ được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời. Múa bát còn liên quan đến nghề dệt vải và thường xuyên sử dụng trong các dịp Tết, lễ hội dân gian truyền thống hằng năm.

Điểm đặc biệt của múa bát chính là việc sử dụng bát và đũa gõ vào nhau tạo ra âm thanh để biểu diễn. Các nghệ nhân Tày thường cầm trên đầu các bát sứ (thường là bát đất nung), với đôi đũa tre để gõ nhịp trong khi di chuyển và biểu diễn các động tác múa. Những động tác múa trong múa bát Tày thường mang tính linh hoạt, đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác và sự đồng bộ giữa những người bạn diễn. Điều này tạo ra một bức tranh sinh động, mang màu sắc riêng trong văn hóa truyền thống người Tày.

Bà Hà Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn chia sẻ: Điệu múa này không chỉ là một hình thức nghệ thuật, mà còn là cầu nối gắn kết các thế hệ, truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông. Huyện Chợ Đồn luôn đặc biệt chú ý để lưu giữ, lan tỏa múa bát trong cộng đồng, khuyến khích các bà, các mẹ, chị em phụ nữ và học sinh tham gia…”.

Múa bát không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh và xã hội của người Tày. Qua các điệu múa, người dân thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong một mùa màng bội thu và duy trì sự đoàn kết trong cộng đồng.

Lan tỏa điệu múa bát

Hiện nay, múa bát đang đối mặt với nguy cơ mai một do sự xâm nhập của các loại hình giải trí hiện đại và thay đổi lối sống. Thực tế cho thấy, múa bát gần như chỉ được sử dụng trong các lễ hội trong năm, số người biết điệu múa này cũng dần ít đi.

Xác định được tầm quan trọng của múa bát, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp truyền dạy múa bát. Trong dịp lễ hội Chào Xuân Giáp Thìn 2024 nhiều lễ hội đã đưa múa bát thành tiết mục chủ đạo như Hội Lồng tồng Ba Bể, Hội Xuân ATK Chợ Đồn… đặc biệt tại Lễ khai mạc "Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024" lần đầu tiên 1.000 nghệ nhân và học sinh trình diễn màn múa bát với chủ đề “Bắc Kạn, sáng ngời ánh sao”. Tiết mục đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả cũng như du khách.

Chị Triệu Thị Tới, tổ 11B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: "Là người dân tộc Tày, tôi rất tự hào về truyền thống của dân tộc. Thật tuyệt vời khi chứng kiến màn trình diễn múa bát đặc sắc mong những nét văn hóa này tiếp tục lan tỏa và trở thành nét văn hóa, niềm kiêu hãnh của bà con dân tộc Tày cũng như Nhân dân tỉnh Bắc Kạn"…

Thực tế đã minh chứng, thông qua các lễ hội văn hóa, múa bát đã được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn mà còn gây được sự chú ý của du khách khắp mọi miền Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Từ lâu đã biết đến Bắc Kạn là nơi có hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam với phong cảnh nên thơ, nơi đây có căn cứ địa cách mạng ATK Chợ Đồn, nay tôi biết thêm một Bắc Kạn giàu nét văn hóa truyền thống với hình ảnh những cô gái Tày trong trang phục áo chàm chỉ với đạo cụ là chiếc bát, đôi đũa đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc qua sự uyển chuyển khéo léo thể hiện các động tác múa bát…

Nghệ thuật múa bát dân tộc Tày đã đóng góp không nhỏ trong kho tàng di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nó là biểu tượng sống động của sự sáng tạo và tinh thần giao thoa giữa con người với thiên nhiên. Bắc Kạn đã và đang nỗ lực để lan tỏa múa bát trong cộng đồng…/. (còn nữa)

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dua-mua-bat-tro-thanh-net-van-hoa-cong-dong-bai-1-bao-ton-va-lan-toa-post64146.html