Nhật Bản loay hoay trong khủng hoảng giá gạo 'chưa từng có'

Nhật Bản đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có, khi giá gạo tăng chóng mặt do nguồn cung khan hiếm, khiến nước này phải đối mặt với một tương lai bất định về an ninh lương thực.

Mùa Hè năm 2023, một đợt nắng nóng khắc nghiệt đã tàn phá vụ mùa lúa trên khắp Nhật Bản, dẫn đến sản lượng thấp và chất lượng kém. Chỉ trong 1 năm, giá gạo ở nước này tăng hơn 80%, với một bao gạo 5kg hiện có giá trung bình lên tới 4.214 yên (gần 30 USD) vào đầu tháng 4/2025, gấp đôi so với năm trước.

Không chỉ gạo, giá bắp cải, đậu nành, lúa mì và các mặt hàng thiết yếu khác ở Nhật Bản cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Kaori Wataya, một bà mẹ ba con ở Tokyo, than thở: “Đắt quá, nhưng chúng tôi còn có thể làm gì khác?” Đối với nhiều gia đình, việc mua sắm giờ đây là một bài toán khó.

Không chỉ bắt nguồn từ thời tiết, cuộc khủng hoảng lương thực ở Nhật Bản còn đến từ lượng khách du lịch quốc tế tăng kỷ lục, với số lượt khách lên tới 36,9 triệu trong năm 2024. Lượng người tăng cũng khiến nhu cầu gạo tăng, song chính sách giảm sản lượng gạo được áp dụng từ hàng thập kỷ trước vẫn được giữ nguyên, vô tình đẩy Nhật Bản vào thế bất lợi. Giáo sư Nobuhiro Suzuki từ Đại học Tokyo gọi đây là “thất bại chính sách,” khi chính phủ vẫn cứng nhắc trong việc khuyến khích nông dân chuyển sang cây trồng khác, khiến sản lượng gạo sụt giảm nghiêm trọng.

Một biến cố khác xảy đến vào tháng 8/2024, khi cảnh báo về "một trận động đất lớn" nối tiếp trận động đất 7,1 độ richter ngoài khơi bờ biển phía Nam Nhật Bản đã kích động làn sóng mua sắm hoảng loạn, làm cạn kiệt nguồn cung trên thị trường.

Bước ngoặt văn hóa

Trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, Chính phủ Nhật Bản đã hành động khẩn cấp. Tháng 3/2025, Bộ Nông nghiệp nước này đã phải mở kho dự trữ khẩn cấp, giải phóng 231.000 tấn gạo – một động thái vốn chỉ được áp dụng trong các hoàn cảnh thiên tai hoặc chiến tranh. Đến tháng 4, thêm 110.000 tấn được đưa ra đấu giá, với kế hoạch tiếp tục giải phóng gạo hàng tháng đến mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto thừa nhận những nỗ lực này chưa thể hạ nhiệt giá bán lẻ, khi các vấn đề chuỗi cung ứng, như vận chuyển và tích trữ đầu cơ, đang làm tắc nghẽn dòng chảy gạo đến tay người tiêu dùng.

Đối với nhiều gia đình Nhật Bản, việc mua sắm giờ đây là một bài toán khó do giá gạo tăng cao. Ảnh: iStock

Đối với nhiều gia đình Nhật Bản, việc mua sắm giờ đây là một bài toán khó do giá gạo tăng cao. Ảnh: iStock

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản buộc phải tăng nhập khẩu gạo – một bước đi nhạy cảm ở quốc gia vốn duy trì thuế quan cao để bảo vệ nông dân nội địa. Tháng 2/2025, lượng gạo nhập khẩu bởi các công ty tư nhân vượt quá 551 tấn, cao hơn tổng sản lượng nhập khẩu trong cả năm tài chính 2023. Trong đó, Hàn Quốc cam kết xuất khẩu 24 tấn gạo vào tháng 6, đánh dấu lô hàng lớn nhất được xuất khẩu qua nước láng giềng trong 25 năm. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu từ các siêu thị, nhà hàng, và cửa hàng tiện lợi, những công ty Nhật như Kanematsu dự kiến sẽ nhập thêm hàng chục nghìn tấn gạo từ Mỹ.

ĐỌC NGAY: Du lịch mùa Đông Nhật Bản đón làn sóng du khách quốc tế kỷ lục

Sự thay đổi này không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn đánh dấu một bước ngoặt văn hóa, với những sản phẩm gạo ngoại nhập, như Calrose từ bang California (Mỹ), lần đầu chiếm ưu thế trên bàn ăn của người Nhật - nơi vốn đề cao các sản phẩm nội địa. Chuỗi siêu thị Aeon đang triển khai bán các sản phẩm hỗn hợp gạo Mỹ-Nhật với tỷ lệ 80-20, rẻ hơn 10% so với gạo nội, trong khi gạo Đài Loan (Trung Quốc) tại chuỗi siêu thị Seiyu đã bán hết sạch kể từ năm ngoái.

Thậm chí, một số chủ nhà hàng như Arata Hirano ở Tokyo, người chuyển sang dùng gạo Mỹ trong các món ăn của mình, khẳng định sẽ không quay lại mua gạo trong nước trừ khi giá giảm. Các thực khách như Miki Nihei, khi thưởng thức bữa ăn tại nhà hàng của Hirano, ngạc nhiên khi biết gạo cô ăn không phải gạo Nhật nhưng vẫn hài lòng với chất lượng món ăn tại đây.

Lối thoát "bấp bênh"

Dù nhập khẩu được xem là cứu cánh ngắn hạn, cuộc khủng hoảng giá gạo đặt ra câu hỏi lớn về tương lai ngành nông nghiệp Nhật Bản. Ý thức được điều này, chính phủ Tokyo đang thúc đẩy các biện pháp dài hạn, trong đó có việc yêu cầu nông dân lập kế hoạch tăng sản lượng và đảm bảo nguồn cung phân bón, thuốc trừ sâu.

Một đạo luật khẩn cấp mới được ban hành cũng áp dụng hạn chế sở hữu đất nông nghiệp của nước ngoài, nhằm tối ưu hóa sản xuất nội địa. Đến năm 2030, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo gấp 8 lần so với năm 2024, biến thách thức thành cơ hội thương mại.

Tuy nhiên, các mục tiêu trên vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Những nông dân như Kazuo Kurihara, chủ một cửa hàng nông sản ở thành phố Mitaka, đang phàn nàn về giá bán buôn tăng từng ngày và nguồn cung từ đối tác truyền thống dần cạn kiệt. Đồng thời, áp lực từ các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, giữa lúc Tổng thống Donald Trump chỉ trích mức thuế tới 700% của Nhật Bản lên gạo nhập từ Mỹ, có thể buộc Tokyo phải nới lỏng các hạn chế nhập khẩu.

Một hội đồng tư vấn gần đây đề xuất bỏ giới hạn 100.000 tấn gạo miễn thuế để ổn định nguồn cung, song đảng Dân chủ Tự do cầm quyền khó có thể mạo hiểm làm điều đó nếu không muốn đánh mất sự ủng hộ từ tầng lớp nông dân – nhóm cử tri then chốt của đảng này, ngay trước cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 tới.

Trong khi đó, người tiêu dùng Nhật Bản, từ những bà nội trợ như Naoko Nakayama đến các gia đình ở Tokyo, đang cảm thấy thất vọng do phải thay đổi thói quen mua sắm. Nhiều người buộc phải chuyển sang mua đồ ở siêu thị thay vì chợ nông sản, hoặc lần đầu tiên chấp nhận dùng gạo nhập khẩu dù vẫn nặng lòng với gạo Nhật.

“Gạo là thực phẩm quan trọng nhất, là "linh hồn" của người Nhật, nên thật bức bối khi thấy các chính trị gia hoàn toàn không thấu hiểu cảm xúc sâu sắc của người dân về điều đó”, bà Nakayama chia sẻ.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhat-ban-loay-hoay-trong-khung-hoang-gia-gao-chua-tung-co.687626.html