Đưa sản phẩm khoa học, công nghệ đến gần hơn với doanh nghiệp

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Gần 200 đại biểu đến từ các viện, trường; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế… đã tham gia diễn đàn. Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu, diễn giả chia sẻ, kết nối đi đến hợp tác bền chặt, cùng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm khoa học và công nghệ, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi nhuận cho nông dân, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các sản phẩm này chưa đến được nhiều với những đơn vị ứng dụng do còn thiếu thông tin. Các doanh nghiệp, hợp tác xã rất cần những sản phẩm khoa học công nghệ song lại chưa nắm được thông tin để tiếp cận.

GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, từ kết nối này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trên, cho phép các bên liên quan bổ sung ý tưởng và nội dung cho những đề tài nghiên cứu, đảm bảo tính khả thi và khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm. Sự tăng cường trao đổi sẽ đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu không chỉ có giá trị về mặt lý thuyết, mà còn phù hợp với điều kiện thực tế với chi phí hợp lý.

Tại diễn đàn, ông Trần Trung Đức, Chủ tịch, Giám đốc Hợp tác xã chuối Viba chia sẻ, khi có doanh số tốt, doanh nghiệp quay lại phát triển vùng trồng. Giống đầu tiên là giống chuối tiêu hồng cấy mô không biến đổi gen (Non-GMO). Sản phẩm do Viện Rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, cho phẩm chất chất lượng cao, đồng nhất như nhau.

Ông Trần Trung Đức cho biết, đưa sản phẩm ra thị trường là một quá trình dài và luôn phải trao đổi lại với nhà khoa học. Khi người tiêu dùng thay đổi yêu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được. Để chỉnh sửa sản phẩm thì phải có các nhà khoa học. Họ là những người đồng hành thực sự, chứ không phải chỉ là ký hợp đồng rồi thôi. Doanh nghiệp mong muốn có các sản phẩm mẫu từ các viện nghiên cứu để có thể điều chỉnh, tính toán nhu cầu khách hàng nhanh hơn.

Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Trao đổi tại tọa đàm, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đánh giá cao các giống cây đạt tiêu chuẩn về hình thái, sở hữu những tính trạng cải tiến như ngắn ngày, đảm bảo năng suất cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Từ năm 2006 đến nay, Vinaseed đã phối hợp với các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất. Những giống này chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu của công ty.

Theo bà Trần Kim Liên, hợp tác công - tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường. Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.

Bà Trần Kim Liên cho biết, khối tư nhân mong muốn có nguồn thông tin cụ thể về dự án, từ đó tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp muốn đi chặng đường dài hơi, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tuyển chọn các ý tưởng từ các viện, trường. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, xác định các danh mục đầu tư cụ thể, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đơn vị suy nghĩ, hành động nhiều để thúc đẩy hơn quá trình kết nối thị trường, chuyển giao cho nông dân. Trước đây công việc này phụ thuộc các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội. Nhưng gần đây viện trực tiếp liên kết với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng có thể đăng ký với viện.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Để có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ tốt, mới, GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ. Ở đó, các nhà khoa học, quản lý đề xuất các nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.

Cùng với đó là có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện. Việc tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai trong dự án khuyến nông là một chuỗi quan trọng để chuyển giao kết quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ số hóa các sản phẩm khoa học công nghệ để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Nói về tầm quan trọng của phát triển toàn diện chuỗi giá trị, từ giống, sản xuất, chăm sóc, chế biến đến bảo quản phục vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu chia sẻ, các ý tưởng để nâng cấp từng khâu này cần có cơ sở từ thực tiễn, thông qua các bước chuyển đổi để nâng cao giá trị sản phẩm. Quá trình chuyển đổi này sẽ nâng cao chất lượng toàn bộ chuỗi giá trị, từ đó tạo ra giá trị vùng và những sản phẩm đặc trưng, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa khoa học và sản xuất.

Trong khuôn khổ diễn đàn, có 11 bản ký kết hợp tác chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ giữa các đơn vị.

Cùng với diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp. Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi - phòng chống thiên tai; cơ điện và công nghệ sau thu hoạch…

Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới được giới thiệu tại không gian trưng bày như: giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-den-gan-hon-voi-doanh-nghiep/340079.html