Đưa sản phẩm làng nghề vươn ra thế giới
Thành phố Hà Nội đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tích cực chuẩn bị Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tại Hà Nội.
Công tác chuẩn bị cho sự kiện đang được triển khai gấp rút, chu đáo với nhiều nét mới. Trong đó, thành phố coi đây là sự kiện không chỉ mang tính văn hóa mà còn là chiến lược dài hơi tạo ấn tượng đậm sâu về Hà Nội - Thành phố sáng tạo, thành phố của làng nghề; góp phần đưa sản phẩm làng nghề Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung vươn ra thế giới.

Sản xuất gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng). Ảnh: Quang Thái
Đa dạng hoạt động tôn vinh làng nghề
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 do Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, hướng tới tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi, làng nghề tiêu biểu trên cả nước; đồng thời là cơ hội quảng bá, kết nối thị trường, mở rộng xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề Hà Nội - Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Quá trình xây dựng kế hoạch đã được triển khai kỹ từ tháng 5-2025 với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng UBND thành phố Hà Nội. Tại Hà Nội, nhiều sở, ngành và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội… cũng đã đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung, hình thức tổ chức.
Theo kế hoạch, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong 5 ngày, dự kiến vào tháng 11-2025, song trước đó nhiều hoạt động bên lề sẽ được khởi động từ tháng 9 tạo không khí lễ hội sôi động. Trước lễ khai mạc, sẽ có nghi lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, khẳng định sự kết nối giữa truyền thống và hiện tại, giữa hồn cốt dân tộc và hơi thở phát triển. Các không gian trưng bày sẽ được thiết kế theo chủ đề “Bảo tồn - phát triển - hội nhập” với nhiều phân khu: Không gian bảo tồn, giới thiệu kỹ thuật truyền thống, công cụ cổ, nghệ nhân trình diễn tay nghề; Không gian phát triển, giới thiệu sản phẩm ứng dụng thiết kế hiện đại, sáng tạo; Không gian hội nhập quốc tế, trưng bày sản phẩm thủ công của các làng nghề thế giới; Không gian OCOP và ẩm thực, sinh vật cảnh, sân khấu nghệ thuật và khu vực giao lưu ảnh làng nghề. Đặc biệt, trong khuôn khổ Festival sẽ có hai hội thi lớn được tổ chức song song là: Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội với mục đích tìm ra sản phẩm làng nghề xuất sắc, hội tụ giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật, văn hóa để vinh danh.
Không dừng lại ở trưng bày, festival lần này còn có nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích khác, như: Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội”; Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn; Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn..., mở ra những kênh giao lưu trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm quý báu... cho mục tiêu phát triển làng nghề truyền thống.
Khẳng định vị thế làng nghề Việt Nam

Du khách lựa chọn các sản phẩm tại làng lụa Vạn Phúc (phường Hà Đông). Ảnh: Quang Thái
Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết, Hà Nội sở hữu khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Mỗi làng nghề là một giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Trong đó hàng chục làng nghề đã được thế giới biết đến như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, nón Chuông, tạc tượng Sơn Đồng… Chúng ta cần tiếp tục nhìn nhận và đặt làng nghề Hà Nội đúng “tầm vóc” để phát triển...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhận thấy tiềm năng thế mạnh rất lớn của các làng nghề Hà Nội, thành phố coi đây là chiến lược nhằm định vị thương hiệu làng nghề Hà Nội. Mặt khác, với vai trò là “đầu tàu” của cả nước, tổ chức festival không chỉ cho Hà Nội mà còn nhằm tôn vinh, quảng bá, hỗ trợ khối làng nghề cả nước; khẳng định Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc, có khả năng hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ - thiết kế - văn hóa sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, các sản phẩm tham gia festival phải được chọn lọc kỹ càng. Qua sự kiện, phải kết nối được với các nguồn xuất khẩu để vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, phải làm việc được với các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách quốc tế đến với làng nghề Việt.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng cho rằng, với tinh thần kết nối làng nghề trong nước và quốc tế, festival được kỳ vọng là ngày hội của những người làm nghề, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng du lịch làng nghề, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đổi mới trong cộng đồng nghệ nhân.
Với tầm nhìn và sự chuẩn bị chu đáo, sự kiện không chỉ góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn tạo xung lực mới cho ngành nghề nông thôn phát triển bền vững. Hà Nội một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, đặc biệt là tiên phong trong đổi mới, đưa làng nghề Việt vươn ra thế giới.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dua-san-pham-lang-nghe-vuon-ra-the-gioi-710312.html