Đua tăng vốn, công ty chứng khoán đón đầu cơ hội kinh doanh mới?

Quy mô vốn điều lệ ngày càng lớn hơn, đặc biệt là với nhóm công ty chứng khoán có vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên, đồng nghĩa với năng lực tài chính của các công ty này được cải thiện, có cơ hội nâng định mức tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng, từ đó giúp việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu hay vay hợp vốn từ các tổ chức nước ngoài thuận lợi hơn với lãi suất tối ưu hơn.

HSC chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ từ 7.200 tỉ đồng lên 10.800 tỉ đồng. Ảnh: T.L

HSC chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ từ 7.200 tỉ đồng lên 10.800 tỉ đồng. Ảnh: T.L

Tăng vốn ồ ạt

Cổ phiếu Công ty Chứng khoán (CTCK) TPHCM (HOSE: HSC) tính từ đầu tháng 7-2025 đến nay (ngày 8-7-2025) đã tăng mạnh hơn 12%. Ngày 14-7-2025, các cổ đông của HSC sẽ bắt đầu đăng ký đặt mua và nộp tiền mua đối với cổ phiếu phát hành cho đợt tăng vốn trong năm nay của công ty, thời gian thực hiện đến hết ngày 13-8-2025.

Được biết, đợt này HSC chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1. Nếu thành công, vốn điều lệ của HSC sẽ tăng từ 7.200 tỉ đồng lên 10.800 tỉ đồng, đánh dấu đợt tăng vốn quy mô lớn nhất của các CTCK từ đầu năm đến nay, đồng thời HSC cũng sẽ gia nhập nhóm CTCK có vốn trên 10.000 tỉ đồng cùng TCBS, SSI và ACBS. Trước đó, trong năm 2024, HSC đã tăng vốn thành công từ mức 4.580 tỉ đồng lên 7.208 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2025, CTCK ACBS cũng đã hoàn tất việc tăng vốn từ 7.000 tỉ đồng lên 10.000 tỉ đồng, với sự hỗ trợ từ ngân hàng mẹ ACB. Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 3-2025, hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB tiếp tục có nghị quyết thông qua việc góp thêm 1.000 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho ACBS lên mức 11.000 tỉ đồng trong thời gian tới. Trong hơn một năm trở lại đây, ACBS đã liên tục tăng vốn điều lệ lên gấp nhiều lần. Cụ thể, vào quí 4-2023, ACBS tăng vốn từ 3.000 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng, đến quí 1-2024 tiếp tục tăng vốn lên 7.000 tỉ đồng.

Việc tăng vốn ồ ạt cũng sẽ dẫn đến tình trạng pha loãng cổ phiếu, gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu. Do đó, cổ đông hiện hữu cần theo dõi lịch phát hành của các CTCK để hạn chế việc pha loãng quá mức, cũng như có quyết sách phù hợp, nhất là khi gần đây Bộ Tài chính đề xuất cá nhân nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán sẽ nộp thuế ngay, thay vì đợi tới khi chuyển nhượng.

Đợt phát hành 118,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 25 nhà đầu tư chuyên nghiệp ngày 10-6-2025 đã giúp CTCK TCBS tăng vốn điều lệ thêm 1.189 tỉ đồng, lên mức 20.802 tỉ đồng, để vượt qua CTCK SSI trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán (TTCK). Trước đó, vào tháng 9-2024 CTCK này đã phát hành hơn 1,74 tỉ cổ phiếu thưởng trong năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn đột biến từ 2.177 tỉ đồng lên 19.613 tỉ đồng, tức tăng gấp 9 lần.

Ngoài ra, có thể kể đến việc CTCK MBS phát hành 94,5 triệu cổ phiếu chào bán, thưởng cổ phiểu và ESOP để tăng vốn thêm 945 tỉ đồng lên 6.673 tỉ đồng; CTCK SHS tăng 814 tỉ đồng lên 8.945 tỉ đồng với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu; CTCK VDSC tăng vốn 243 tỉ đồng lên 2.673 tỉ đồng bằng cách phát hành 24,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, đồng thời công ty này có kế hoạch tiếp tục tăng vốn lên 3.200 tỉ đồng trong thời gian tới theo phương thức phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Thời gian tới, hàng loạt CTCK tầm trung và nhỏ cũng có kế hoạch tăng vốn. Như CTCK APG, một công ty vừa tái cấu trúc, dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để đưa vốn điều lệ từ 2.236 tỉ đồng lên 3.236 tỉ đồng. VTG sau khi đổi tên và chuyển trụ sở đã lên kế hoạch tăng vốn gấp 22 lần hiện tại, từ 138 tỉ đồng lên 3.036 tỉ đồng. Tương tự, VISecurities sau khi đổi tên thành OCBS và thay đổi một loạt nhân sự cấp cao cũng muốn tăng vốn 4 lần, lên 1.200 tỉ đồng.

Tín hiệu gì?

Động cơ chính từ các đợt tăng vốn của các CTCK vẫn chủ yếu xoay quanh mục tiêu nâng hạn mức cho vay margin khi nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư đang tăng mạnh trở lại, trong bối cảnh TTCK đã có màn trình diễn tích cực trong thời gian qua, cũng như triển vọng khả quan trong thời gian tới. Trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 7-7), chỉ số VN-Index đã chinh phục thành công mốc 1.400 điểm.

Tính từ giữa tháng 6-2025 đến nay, VN-Index tiếp tục tăng hơn 7,5%, nâng mức tăng lũy kế tính từ đáy hồi tháng 4-2025 đến nay hơn 30%. Với kết quả tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng GDP 7,96% trong quí 2 vừa qua và tăng 7,52% trong nửa đầu năm nay, trong khi các chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục mở rộng, lộ trình đàm phán thuế quan với Mỹ đạt nhiều bước tiến tích cực, TTCK được dự báo sẽ tiếp tục tích cực về dài hạn.

Đối với các nhà đầu tư, khi nguồn vốn của các CTCK dồi dào hơn, sẽ tạo điều kiện kéo giảm lãi suất cho vay margin, vì các CTCK buộc phải cạnh tranh quyết liệt hơn để lôi kéo khách hàng. Dù biên độ lãi của mảng cho vay margin có thể co lại, tuy nhiên nguồn vốn lớn hơn sẽ giúp các CTCK cho vay nhiều hơn, từ đó duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tăng thêm ngoài việc đảm bảo đáp ứng hệ số an toàn vốn (NCR) ngày càng nghiêm ngặt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng giúp các CTCK mở rộng danh mục tự doanh, trước kỳ vọng TTCK sẽ được nâng hạng trong thời gian tới, sớm nhất là vào đợt đánh giá của FTSE vào tháng 9 tới. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nâng hạng thành công có thể mang lại 25 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào TTCK Việt Nam tới năm 2030.

Quy mô vốn điều lệ ngày càng lớn hơn, đặc biệt là với nhóm CTCK có vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên, đồng nghĩa với năng lực tài chính của các công ty này được cải thiện, có cơ hội nâng định mức tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng, từ đó giúp việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu hay vay hợp vốn từ các tổ chức nước ngoài thuận lợi hơn với lãi suất tối ưu hơn.

Dù vậy, việc tăng vốn ồ ạt cũng sẽ dẫn đến tình trạng pha loãng cổ phiếu, gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu. Do đó, cổ đông hiện hữu cần theo dõi lịch phát hành của các CTCK để hạn chế việc pha loãng quá mức, cũng như có quyết sách phù hợp, nhất là khi gần đây Bộ Tài chính đề xuất cá nhân nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán sẽ nộp thuế ngay, thay vì đợi tới khi chuyển nhượng.

Cuối cùng, việc một số ngân hàng góp thêm vốn cho công ty con là CTCK, như trường hợp của ACB và ACBS, TCB và TCBS hay MB và MBS, cũng phản ánh xu hướng dịch chuyển vốn nội khối ngân hàng sang chứng khoán, nhằm đẩy mạnh chiến lược ngân hàng đầu tư (IB) và dịch vụ quản lý tài sản, hướng tới mô hình ngân hàng đa năng (universal banking) của các tập đoàn tài chính hiện nay.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dua-tang-von-cong-ty-chung-khoan-don-dau-co-hoi-kinh-doanh-moi/