Chuyên gia Fulbright: TP.HCM có cơ sở để cạnh tranh với Tokyo, Seoul
Không chỉ là đầu tàu kinh tế trong nước, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng TP.HCM sau sáp nhập hoàn toàn có cơ sở để theo đuổi tham vọng cạnh tranh với các đô thị lớn tại Đông Bắc Á.

Sau sáp nhập, quy mô kinh tế của TP.HCM dự kiến đạt hơn 3 triệu tỷ đồng trong năm nay, chiếm gần 24% GDP cả nước. Ảnh: Quỳnh Danh.
Dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, chiều 11/7, tại phường Vũng Tàu, Sở Công Thương TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức Tọa đàm "Không gian phát triển TP.HCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ".
GRDP TP.HCM năm nay dự kiến vượt 3 triệu tỷ đồng
Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết việc hình thành TP.HCM mới từ sáp nhập 3 địa phương là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ đã tạo nên một siêu đô thị có quy mô rất lớn, với GRDP đạt 2,7 triệu tỷ đồng (tính đến năm ngoái).
Theo ông, với cách chọn 3 tỉnh, thành có động lực tăng trưởng kinh tế tốt nhất khu vực Đông Nam Bộ để hợp nhất thành một đơn vị hành chính quy mô lớn thể hiện mục tiêu trở thành đầu tàu, mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế.
Đây là động lực quan trọng để TP.HCM hướng tới tăng trưởng hai con số, đóng góp vào mục tiêu đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Tuyết.
Nói thêm về tiềm năng của TP.HCM mới, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho biết quy mô kinh tế của TP.HCM sau sáp nhập dự kiến đạt hơn 3 triệu tỷ đồng trong năm nay, chiếm khoảng 24% GDP cả nước, tương đương gần 1/4 nền kinh tế quốc gia.
Theo ông Tuấn, với dân số khoảng 14 triệu người, TP.HCM mới sánh ngang các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur... và chỉ xếp sau một số siêu đô thị như Tokyo hay các thành phố lớn của Trung Quốc.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người tại TP.HCM đạt trên 200 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng ngang bằng trung bình cả nước.
Ngoài ra, TP.HCM tạo ra hơn 400 triệu đồng giá trị gia tăng trên mỗi ha đất. Mật độ kinh tế ở những trung tâm lõi đô thị thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Điều này cho thấy tiềm năng và không gian phát triển thương mại, dịch vụ, bán lẻ, tiêu dùng là rất lớn.
Với những phân tích này, TS Tuấn nhấn mạnh TP.HCM không chỉ giữ vai trò là trung tâm tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam - vốn đã được khẳng định vị thế trước khi sáp nhập - mà còn cần vươn tầm khu vực trong thập niên tới.
"Nếu khiêm tốn, TP.HCM nên hướng tới trở thành trung tâm tiêu dùng mới nổi của Đông Nam Á. Còn nếu có tham vọng, thành phố phải cạnh tranh với các đô thị ở khu vực Đông Bắc Á. TP.HCM hoàn toàn có cơ sở để tin vào mục tiêu và khát vọng này", ông nói.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BTC.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của TP.HCM trong mục tiêu tăng trưởng hai con số của Chính phủ. Nếu thành phố tăng trưởng chậm, không đạt 8%, sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Do đó, TP.HCM cần đi nhanh, đi mạnh để tiếp tục dẫn dắt động lực tăng trưởng thương mại, dịch vụ quốc gia.
4 điểm nghẽn cần tháo gỡ
Nói riêng về từng địa bàn, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết TP.HCM cũ đã là trung tâm tiêu dùng tầm trung và cao cấp, với sức mua và mức độ phát triển thương mại vượt trội. Còn địa bàn Bình Dương cũ nổi bật với thế mạnh công nghiệp, dịch vụ và logistics.
Trong khi đó, khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ dù có quy mô dân số nhỏ hơn, lại cho thấy tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.
Đặc biệt, địa phương này sở hữu nhiều lợi thế chiến lược, góp phần bổ sung quan trọng cho siêu đô thị mới, điển hình là siêu cảng Cái Mép - Thị Vải, mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng... Đây cũng là trung tâm logistics, thương mại dịch vụ và cảng biển hàng đầu khu vực.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cũng nhìn nhận tiềm năng phát triển của TP.HCM mới là rất lớn. Tuy nhiên, ông cho rằng trong quá trình phát triển chuỗi cung ứng và bán lẻ, TP.HCM vẫn đối mặt với 4 điểm nghẽn lớn.
Thứ nhất, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực. Thứ hai, chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối thiếu liên kết chặt chẽ, khiến chi phí logistics bị đẩy lên cao.
Thứ ba, thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng chưa gắn kết hiệu quả với chuỗi logistics và hệ thống sản xuất, phân phối truyền thống.
Cuối cùng, ông đánh giá còn thiếu sự liên kết để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cạnh tranh cao, phục vụ du khách và người dân. "Trong khi Bangkok, Thái Lan đã làm rất tốt việc này để thúc đẩy du lịch", ông Vũ nhấn mạnh.

Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, với sự hiện diện của siêu cảng Cái Mép - Thị Vải, là trung tâm logistics, thương mại dịch vụ và cảng biển hàng đầu khu vực. Ảnh: Quỳnh Danh.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn trên, ông cho rằng các nhà quản lý, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp... cần giải quyết một số vấn đề quan trọng. Trước hết là phát triển quy hoạch không gian thương mại, dịch vụ gắn với mô hình đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển và tăng cường liên kết vùng.
Song song đó, cần ưu tiên hình thành các cụm trung tâm mua sắm, hậu cần, chợ đầu mối và logistics tại khu vực phía Nam. Việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, lấy chợ truyền thống, hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm cũng sẽ giúp vận hành, quản trị thanh toán và kết nối chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, TP.HCM cần tập trung tái cấu trúc chuỗi cung ứng các ngành hàng chiến lược có lợi thế vùng như nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng xanh, điện máy...
Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng thương mại logistics thông minh, đồng bộ, trong đó tăng cường đầu tư cho các trung tâm phân phối, kho vận hiện đại tích hợp điện tử, kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đô thị, cảng biển và phát triển chuỗi logistics cảng biển thông minh. TP.HCM nên tận dụng lợi thế của cảng trung chuyển Cái Mép - Thị Vải và tăng cường kết nối với vùng quốc tế...
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đồng tình với quan điểm này và cho rằng những thách thức nêu trên cần được tháo gỡ để TP.HCM phát huy tối đa tiềm năng, tiến gần hơn đến khát vọng trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hàng đầu khu vực.