Đưa Tây Thiên-Tam Đảo trở thành trung tâm tín ngưỡng, du lịch quốc gia
Theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo sẽ trở thành một trung tâm tín ngưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử của quốc gia.
Theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Tây Thiên-Tam Đảo sẽ được quy hoạch trở thành một trung tâm tín ngưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử của quốc gia.
Nhiệm vụ lập Quy hoạch vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1734/QĐ-TTg phê duyệt nêu rõ nhận diện đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch cụ thể trên địa giới hành chính thị trấn Đại Đình và một phần của xã Tam Quan (khu vực Đền Trình), huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 473,01ha.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm hệ thống các di tích, công trình tôn giáo và các yếu tố thiên nhiên thuộc Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo, gồm Di tích thờ Phật, Di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, các di tích liên quan; hệ thống động vật, thực vật, cảnh quan môi trường khu vực di tích.
Các di tích khác có liên quan tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và công trình phục vụ phát huy giá trị Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo, gồm Đền Trình (đình Cả); đền Mẫu hóa; đền Mẫu sinh; Trung tâm lễ hội Tây Thiên.
Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, sinh hoạt tôn giáo và lễ hội truyền thống; tài liệu, di vật, hiện vật gắn với di tích; giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích...
Nhiệm vụ lập Quy hoạch cũng cụ thể hóa chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia, của vùng, của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm phát huy vai trò Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo, góp phần xây dựng Tam Đảo trở thành thị xã đặc sắc về văn hóa, du lịch vào năm 2030.
Tu bổ, tôn tạo di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng; bảo vệ, gìn giữ, phát hiện, làm sáng tỏ, phong phú các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Di tích Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo; tôn vinh giá trị bản sắc của Phật giáo Việt Nam và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên.
Tổ chức không gian và bố trí, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích...
Theo Quy hoạch, Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Tây Thiên-Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có tính chất là Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Quốc gia đặc biệt; trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch văn hóa; hạt nhân của Khu Du lịch Quốc gia Tam Đảo; điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên-Tam Đảo (Khu danh thắng Tây Thiên) thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 với cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Tam Đảo dùng để chỉ 3 ngọn núi (trong dãy núi) liền nhau đột ngột nổi lên, bồng bềnh trong mây, tựa như 3 hòn đảo trong biển mây phủ, theo địa chí cổ đó là Phù Nghì cao 1.250m; Thiên Thị (Kim Thiên) cao 1.585m; Thạch Bàn cao 1.585m.
Khu Di tích và Danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo trong khoảng chiều dài 11km, chiều ngang 1km, là một quần thể di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu, đền Cậu, đền Cô...
Nơi đây tập trung mật độ lớn dấu vết cũ cũng như các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo con suối Tây Thiên... Vì thế, đây không chỉ là nơi hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh mà còn là một biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Tây Thiên không chỉ là một vùng sinh thái thắng cảnh thiên nhiên trời phú, mà nơi đây còn gắn với những bước đi đầu tiên của người Việt trên con đường tiến xuống khai thác vùng châu thổ, là một điểm sáng mang tính khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ với tín ngưỡng dân gian, thông qua vị anh hùng văn hóa.
Các phát hiện về khảo cổ học ở khu vực Tây Thiên là những minh chứng cho thấy quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ các thế kỷ 13-14 đến các thế kỷ 19-20, nhưng tập trung nhất là thời Trần.
Những hiện vật được tìm thấy như những mảnh tháp đất nung (vốn là tháp mộ các thiền sư có nhiều tầng bằng đất nung mang phong cách Lý-Trần), những vật liệu kiến trúc, các mảnh gốm sứ Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn (nổi bật là gốm sứ Trần)... Qua đây, có thể đưa ra nhận định, từ rất sớm Tây Thiên đã là một trung tâm Phật giáo lớn với những ngôi chùa có diện tích lên đến vài ngàn mét vuông mặt bằng, với nhiều nền cấp khác nhau tùy thuộc địa hình.
Với giá trị tiêu biểu trên, Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Tây Thiên-Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt ngày 23/12/2015./.