Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới: Cần đổi mới sáng tạo!
Ngân hàng là ngành tiên phong trong đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phát triển thương hiệu vững mạnh.
Đổi mới sáng tạo đóng vai trò thiết yếu
Làm sao để đưa thương hiệu ngân hàng Việt Nam ra thế giới là chủ đề "nóng" được các chuyên gia bàn luận tại Diễn đàn "Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý cho hệ thống ngân hàng" ngày 5.5.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục tiên phong trong đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu ngân hàng vững mạnh, từng bước vươn tầm khu vực và toàn cầu. Qua đó đóng góp thiết thực vào việc khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà
Tại Quyết định 986, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu có từ 2 - 3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á. Đây là mục tiêu không chỉ về quy mô tài sản mà còn là sự khẳng định uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa quản trị theo thông lệ quốc tế, tăng cường minh bạch và đổi mới sáng tạo. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.
"Các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động đổi mới sáng tạo bằng cách nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Đây là một tín hiệu đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và bền vững", Phó thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.
Để thương hiệu vươn xa và bền vững
Giáo sư John Quelch - người được mệnh danh là "Phù thủy thương hiệu" thế giới khẳng định, ngân hàng là một lĩnh vực dịch vụ quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, phát triển. Để làm được điều này, ngành ngân hàng hiểu rõ các giai đoạn phát triển kinh tế và chủ động chuẩn bị nguồn lực để hỗ trợ, trở thành "bộ đệm tăng tốc" cho nền kinh tế.

Giáo sư John Quelch trao đổi tại diễn đàn
Thông thường, các ngân hàng có xu hướng thận trọng và ít chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, họ đảm nhận nhiều dự án và sáng kiến quan trọng như đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao hiệu suất vận hành, ứng dụng AI để thay thế các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống. Những đổi mới sáng tạo này là yếu tố then chốt giúp ngành ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và bắt kịp hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Giáo sư John Quelch cho rằng, lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam đang phát triển khá lành mạnh nhờ sự cạnh tranh đa dạng giữa các ngân hàng, mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng. NHNN cũng thực hiện tốt vai trò giám sát hệ thống. Các chỉ số kinh tế hiện nay như tổng tiền gửi đạt khoảng 600 tỉ USD, lạm phát ở mức 4% và tỷ giá ổn định cho thấy một nền tảng tài chính vững chắc. Nhờ đó, NHNN xứng đáng được ghi nhận vì đã duy trì một hệ thống ngân hàng lành mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển có ngân hàng thuận lợi nhưng cũng có ngân hàng gặp không ít khó khăn. Để hệ thống ngân hàng duy trì được sức khỏe lành mạnh cần đẩy mạnh hai giải pháp then chốt. Theo đó, "Phù thủy thương hiệu" cho rằng, ngành ngân hàng cần khuyến khích hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) nhằm hình thành những ngân hàng có quy mô đủ lớn. Các ngân hàng này sẽ có đủ năng lực để đầu tư vào công nghệ thông tin chất lượng cao, đồng thời mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, NHNN xem xét nới lỏng tỷ lệ đầu tư nước ngoài, không chỉ áp dụng cho các ngân hàng thương mại nhà nước mà còn cả các ngân hàng thương mại cổ phần. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm và sẵn sàng tăng tỷ lệ đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam nếu có cơ hội.
Tuy nhiên, một thương hiệu ngân hàng mạnh không chỉ được định hình bởi các hoạt động truyền thông bên ngoài, mà cốt lõi vẫn phải dựa trên nền tảng nội lực vững chắc từ đổi mới sáng tạo trong quản trị điều hành, quản trị rủi ro hiệu quả đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế.
Gợi mở hướng đi xây dựng thương hiệu ngân hàng một cách bền vững, ông Peter Verhoeven, thành viên Ban lãnh đạo Anax Invest cho rằng: "Yếu tố quan trọng nhất của thương hiệu ngân hàng chính là niềm tin. Không có niềm tin, mọi hoạt động sẽ trở nên vô nghĩa, công chúng sẽ không muốn giao dịch với ngân hàng. Do đó, chúng ta cần xây dựng niềm tin vững chắc vào hệ thống ngân hàng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giám sát hoạt động ngân hàng để đảm bảo niềm tin này. Ngân hàng cần có hệ thống giám sát nội bộ chặt chẽ. Mỗi ngân hàng phải tự kiểm soát hoạt động nội bộ của mình. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Basel III tiến dần lên Basel IV, Basel V... là yếu tố quan trọng trong xây dựng niềm tin".
Hiện tại, việc triển khai Basel III và tiến lên từng nấc thang cao hơn của Basel là một thách thức lớn đối với tất cả ngân hàng. Để giải quyết những thách thức trên, các ngân hàng Việt Nam cần nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng; cải thiện hệ thống kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế; duy trì nguyên tắc thận trọng; đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng; cấp tín dụng dựa trên năng lực doanh nghiệp thay vì các mối quan hệ cá nhân.
Để thương hiệu vươn xa và bền vững, bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á - chia sẻ giá trị cốt lõi trong chiến lược đưa thương hiệu ra toàn cầu. Thương hiệu muốn phát triển bền vững và đi đường dài thì giá trị cốt lõi phải là giá trị cộng đồng, cùng với công nghệ tiên tiến.
"Ngân hàng Bắc Á luôn tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ. Đây là yếu tố đóng vai trò then chốt cho sự phát triển. Mặc dù xuất phát sau trong cuộc đua công nghệ, ngân hàng không hề thụ động chờ đợi mà chủ động triển khai ngân hàng số và chú trọng xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp. Với tinh thần tự chủ và mong muốn hội nhập quốc tế, ngân hàng tích cực đặt câu hỏi và tìm kiếm những chuyên gia giỏi nhất để học hỏi kinh nghiệm, từ đó giải quyết các thách thức đặt ra", bà Thái Hương nhấn mạnh.