Đưa trải nghiệm làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Hiện nay, các tour du lịch cộng đồng kết hợp với trải nghiệm làng nghề truyền thống đang được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Tại xã Ninh Hải (thành phố Hoa Lư), làng nghề thêu ren thôn Văn Lâm với hoạt động trải nghiệm thêu ren đã thu hút được nhiều khách quốc tế.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại làng nghề thêu ren Văn Lâm.
Ngoài những danh lam thắng cảnh như Tam Cốc - Bích Động, Đền Thái Vi..., xã Ninh Hải còn được du khách biết đến với làng nghề thêu ren thôn Văn Lâm. Nơi đây, gìn giữ những nét văn hóa của nghề thêu qua những đôi bàn tay tỉ mỉ của những người thợ lành nghề.
Gian hàng trưng bày của Công ty TNHH Thêu Minh Trang luôn trưng bày nhiều sản phẩm thêu ren độc đáo. Chia sẻ với phóng viên, chị Minh Trang đại diện Công ty TNHH Thêu Minh Trang chia sẻ: “Gian hàng của chúng tôi thường xuyên tiếp đón những đoàn khách du lịch lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động dành cho khách du lịch trực tiếp trải nghiệm quá trình thêu ren tại cửa hàng”.
Theo chia sẻ của chị Trang, việc đa dạng các mặt hàng kết hợp với hình thức trải nghiệm không gian thêu ren đã giúp doanh thu bình quân tăng. Hầu hết khách mua hàng đều là khách du lịch đến xem và cảm nhận các mặt hàng. Ngoài ra, Công ty luôn nhận được những đơn hàng số lượng lớn từ các công ty, doanh nghiệp. Điều này giúp cho mức tiêu thụ các mặt hàng luôn ổn định.
Việc thúc đẩy du lịch nói chung và du lịch trải nghiệm làng nghề nói riêng đã góp phần mang lại những dấu hiệu tích cực cho phát triển kinh tế của xã trong những năm qua. Bà Chu Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: “Năm 2024, trên địa bàn xã Ninh Hải, nghề thêu ren mang lại thu nhập ước tính khoảng 70 tỷ đồng. Khi kết hợp du lịch trải nghiệm tham quan làng nghề truyền thống đã góp phần mang lại việc làm ổn định cho người dân”.
Song song với phát triển du lịch qua các danh lam thắng cảnh, việc thúc đẩy hoạt động trải nghiệm làng nghề đã giúp nghề thêu ren của xã Ninh Hải ngày càng được du khách biết đến nhiều hơn. Cùng với đó, mỗi dịp lễ hội là điều kiện thuận lợi để quảng bá các nét đẹp văn hóa địa phương nhất là các sản phẩm thủ công truyền thống.
Tuy mang lại những hiệu quả tích cực, thế nhưng việc thúc đẩy loại hình du lịch này vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Mặc dù có việc làm ổn định, song nhiều nghệ nhân vẫn phải bỏ nghề vì công sức bỏ ra quá lớn nhưng mức thu nhập lại quá thấp không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó còn có khó khăn đến từ nguồn kinh phí. Chia sẻ với phóng viên, bà Chu Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Nguyên liệu của thêu ren chủ yếu là lụa, vải, chỉ nhập khẩu nên có những thời điểm nguồn hàng khan hiếm, cùng với đó chi phí chi trả nguồn nguyên, vật liệu đầu vào rất cao, trong khi giá trị sản phẩm bán ra vẫn chưa tương xứng với sức sáng tạo của người lao động khiến nhiều hộ dân không đủ vốn kinh doanh mặt hàng thủ công này. Để khắc phục khó khăn, địa phương mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để phát triển làng nghề truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải bày tỏ: “Điều chúng tôi quan tâm nhất là có thể quy hoạch thành khu làng nghề để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của xã Ninh Hải. Hơn nữa, có thể có thêm cơ hội giới thiệu các sản phẩm thêu ren đến các nước trên thế giới thông qua du lịch”.
Cũng theo bà Thu, các tour du lịch cần đa dạng hóa đối tượng hơn không chỉ khám phá các danh lam thắng cảnh mà còn các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống. Cần xây dựng thêm các tour du lịch kết hợp tham quan các mô hình truyền thống thêu ren để quảng bá các di tích lịch sử nổi tiếng cũng như đưa các nét đẹp văn hóa đến với khách du lịch.