Đưa việc cho vay online vào khuôn khổ

Gần chục năm sau khi thị trường cho vay ngang hàng bùng nổ, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng mới chính thức được ban hành

Cho vay online xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2018 - 2019, sau đó bùng nổ trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Hàng loạt app (ứng dụng) cho vay đơn giản đã ra đời với lãi suất cao chót vót, gây ra nhiều hệ lụy.

Hết thời tín dụng đen trá hình

Để kiểm soát hoạt động này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2025/NĐCP, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), trong đó có cho vay ngang hàng (P2P Lending, cho vay online). Nghị định 94 có hiệu lực từ ngày 1-7.

Cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến. Hình thức này không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng, công ty tài chính…

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng chính thức được ban hành, với kỳ vọng dẹp cho vay online biến tướng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng chính thức được ban hành, với kỳ vọng dẹp cho vay online biến tướng

Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp fintech tại Việt Nam tăng nhanh chóng, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên khoảng 200 công ty năm 2022. Những công ty này hoạt động trong nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau như: thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng...

Có điều, hoạt động cho vay online xuất hiện không ít biến tướng. Nhiều công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật. Có công ty hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền người dân bỏ vốn vào đầu tư mô hình cho vay này. Có công ty lừa dối người vay về lãi suất, điều kiện vay trong khi áp mức lãi suất thực tế cao "cắt cổ" chẳng khác gì tín dụng đen, ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh cho vay online, cho vay tiêu dùng.

Báo Người Lao Động từng nhận không ít phản ánh của khách hàng khốn khổ vì vay tiền qua app online với lãi suất cao chót vót, lãi mẹ đẻ lãi con và không có khả năng trả nợ; bị đòi nợ "khủng bố"… Vì vậy, việc Chính phủ ban hành nghị định mới được kỳ vọng sẽ góp phần tạo môi trường cho vay ngang hàng bền vững hơn với cả người vay và bên cho vay. Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần phổ cập tài chính theo hướng minh bạch, an toàn và hiệu quả.

Việc thử nghiệm P2P Lending sẽ diễn ra trong 2 năm, không áp dụng với các ngân hàng nước ngoài. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan lĩnh vực cho vay này.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Vĩnh, Tổng Giám đốc Tima (sàn kết nối tài chính quy mô lớn), đánh giá việc Chính phủ ban hành Nghị định 94 là tín hiệu rất tích cực cho cả ngành P2P Lending. Theo ông, lần đầu tiên có một khung pháp lý để thử nghiệm hoạt động cho vay ngang hàng sẽ giúp doanh nghiệp (DN) yên tâm đầu tư, triển khai thử nghiệm sản phẩm trong "vùng an toàn" pháp lý.

"Sandbox sẽ mở ra khả năng thu thập dữ liệu vận hành thực tế một cách toàn diện cho các cơ quan xây dựng thể chế, chính sách. Quá trình thử nghiệm cũng cho phép thí điểm Open API, mở ra cơ hội chia sẻ kết nối thông tin có kiểm soát giữa các tổ chức tín dụng, công ty fintech và bên thứ 3" - ông Vĩnh phân tích.

Phải kiểm soát được tình trạng "bùng nợ"

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết P2P Lending từng là xu hướng ở Mỹ và Trung Quốc nhưng hiện đã giảm nhiệt. Tại Trung Quốc, từ khoảng 1.000 DN cho vay ngang hàng, sau khi chính phủ nước này siết chặt quy định chỉ còn vài chục DN đủ điều kiện hoạt động.

Với thị trường Việt Nam, việc bắt đầu thử nghiệm khung pháp lý cho mô hình này ở thời điểm hiện tại tuy muộn nhưng cần thiết để tránh tụt hậu. Bởi lẽ, công nghệ tài chính phát triển nhanh, đòi hỏi khung pháp lý phải theo kịp.

Một trong những vấn đề của thị trường tín dụng Việt Nam là tình trạng tín dụng đen với lãi suất cao và tỉ lệ nợ xấu còn lớn. Chưa kể, ý thức trả nợ của một số người dân còn thấp, thậm chí có các nhóm hướng dẫn cách "bùng nợ", xù nợ.

Ở chiều ngược lại, cho vay qua app biến tướng thành tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đây là hệ quả một phần của việc thiếu khung pháp lý rõ ràng.

"Để thử nghiệm P2P Lending hiệu quả, Việt Nam cần quy định rõ ràng về lãi suất, cơ chế giao dịch và xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm cá nhân. Xếp hạng tín nhiệm giúp người cho vay đánh giá mức độ tin cậy của khách hàng. Ở Trung Quốc, hệ thống chấm điểm xã hội trừng phạt người "bùng nợ" bằng nhiều cách khiến họ không dám xù nợ. Việt Nam cần khung pháp lý hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm cá nhân và chế tài mạnh mẽ với những người xù nợ, bên cạnh việc triệt phá tín dụng đen" - ông Huân góp ý.

PGS-TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng - ĐHQG TP HCM, cho rằng cần xác định ranh giới rõ ràng giữa các khoản vay cộng đồng bất hợp pháp trên mạng và P2P Lending; phân loại mô hình nào là bất hợp pháp… Cần dành một khoảng thời gian để những nền tảng cho vay này điều chỉnh trước khi đưa ra các quy định quản lý mới.

"Cần tạo điều kiện để mô hình này trở thành một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả; tạo điều kiện cho người vay tiếp cận nguồn vốn đáng tin cậy và hợp lý với các điều khoản công bằng. Nên quy định trần cho vay để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và giảm các rủi ro tài chính. Bởi lẽ, khả năng nhận thức về rủi ro, phân tích thông tin của nhà đầu tư là có hạn" - ông Sơn nhận xét.

Cần cơ chế giám sát chặt chẽ

Cơ chế sandbox giúp các đơn vị tham gia xây dựng niềm tin bền vững nhờ sự giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước trong suốt quá trình thử nghiệm. Cùng với quy trình hỗ trợ, xử lý khiếu nại 24/7 và báo cáo minh bạch định kỳ của các đơn vị sẽ mang lại sự an tâm cho cả bên vay và bên cho vay.

CEO của Tima - một trong những nền tảng đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi mô hình P2P Lending đến nay - kiến nghị để thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam phát triển bền vững và tránh tình trạng tín dụng đen núp bóng, cần tăng cường quản lý và giám sát hoạt động cho vay ngang hàng. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm các nền tảng cho vay này tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt là về lãi suất, quy trình thẩm định tín dụng, bảo vệ thông tin người dùng.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-viec-cho-vay-online-vao-khuon-kho-196250508212534341.htm