Đưa 'Võ cổ truyền Bình Định' vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính ký văn bản đồng ý trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể 'Võ cổ truyền Bình Định' vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Võ cổ truyền đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Bình Định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ theo quy định.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ di sản “Võ cổ truyền Bình Định” tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.
Từ thời "cha ông đi mở cõi", võ cổ truyền đã có mặt ở nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa của người Bình Định từ trong lịch sử đến tận hôm nay. Võ cổ truyền đã trở thành văn hóa tinh thần, trở thành hoạt động thể thao rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực, tạo nên bản sắc văn hóa của người Bình Định và trở thành linh hồn của đất và người Bình Định, chứa đựng trong đó nhiều đạo lý, triết lý sống.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên; 177 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên.
Trước đó, năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.