Đức: 100% năng lượng đến từ nguồn tái tạo?
Nước Đức - nền kinh tế công nghiệp lớn thứ tư của thế giới đã có cuộc chuyển đổi năng lượng thành công ngoạn mục. Quốc gia này đặt mục tiêu 100% năng lượng tiêu thụ đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2035.
Trên đây là mục tiêu được đề cập đến trong dự thảo kế hoạch mới đây của chính phủ Đức – sớm hơn 5 năm so với mục tiêu cũ là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trước năm 2040.
Các nước phương Tây đã hối thúc Đức giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng các kế hoạch tiến tới loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 và đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022 khiến quốc gia này không có nhiều lựa chọn.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã mô tả việc đẩy mạnh mở rộng công suất năng lượng tái tạo là yếu tố then chốt giúp đất nước bớt phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Đức đã sẵn sàng tiến hành các sửa đổi tương ứng đối với Luật năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)
Theo bản dự thảo kế hoạch, Đức đã sẵn sàng tiến hành các sửa đổi tương ứng đối với Luật năng lượng tái tạo (EEG), theo đó tỷ lệ điện gió hoặc điện mặt trời của quốc gia này được kỳ vọng sẽ đạt 80% vào năm 2030.
Cụ thể, công suất năng lượng gió trên đất liền của Đức sẽ tăng gấp đôi lên mức 110 gigawatt, công suất năng lượng gió ngoài khơi sẽ đạt 30 gigawatt, trong khi công suất năng lượng điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp 3 lần lên mức 200 gigawatt.
Từ quan điểm công nghệ thuần túy, nước Đức - nền kinh tế công nghiệp lớn thứ tư của thế giới, với dân số 80 triệu người, đã có cuộc chuyển đổi năng lượng thành công ngoạn mục, hướng đến việc xóa bỏ năng lượng hạt nhân và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Sau gần ba thập kỉ, khoảng 25% nguồn năng lượng của nước này được sản xuất từ các nguồn tái tạo như gió, mặt trời, và năng lượng sinh khối, đạt tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp hùng mạnh.
Gần 25.000 tua bin gió trải dọc các vùng nông thôn của Đức sản xuất 52 TWh điện trong năm 2014; lượng khí thải carbon trong năm 2014 đã giảm 27% so với năm 1990. Năm 2016, tổng năng lượng tái tạo sản xuất tại Đức đáp ứng 32% mức tiêu thụ điện cả nước - một tỷ lệ đáng kinh ngạc, đập tan quan niệm không thể dựa vào gió hay mặt trời bởi chúng quá khôn lường.
Làn sóng Energiewende cũng khơi nguồn cho một cơ số phát minh công nghệ trong các lĩnh vực, từ thiết kế máy móc đến kĩ thuật điện: một tuốc-bin gió 2014 trung bình ở Đức sản xuất được lượng điện gấp 6 lần so với năm 1990.
Với “trụ cột thứ hai” của bước ngoặt năng lượng - sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn, ngành công nghiệp và các nhà máy lớn đã đạt được mức tiết kiệm năng lượng đáng kể. Đặc biệt, Chính phủ Liên bang đang hỗ trợ việc cải tạo hệ thống năng lượng trong những công trình xây dựng cũ.
Có thể nói, luật EEG là một thành công lớn, được nhiều nước trên thế giới coi là một tấm gương để noi theo. Năm 2014 luật được sửa đổi nhằm mục đích để người dân và doanh nghiệp có khả năng chi trả và bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng ổn định.