Đức bàn giao hệ thống phòng không IRIS-T SLM cho Ukraine
Chính phủ Đức vừa cung cấp một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó bao gồm thiết bị phòng không IRIS-T, đạn dược và xe bọc thép chở quân.
Chính phủ Đức ngày 27/10 cho biết, Đức đã bàn giao hệ thống phòng không IRIS-T SLM, tên lửa IRIS-T SLS, 5.000 quả đạn pháo 155 mm và các thiết bị hỗ trợ quốc phòng khác trong khuôn khổ chuyến hàng viện trợ mới nhất cho Ukraine.
Ngoài ra, lô viện trợ mới còn bao gồm 4 xe bọc thép chở quân, 8 máy bay không người lái trinh sát VECTOR, radar giám sát trên không TRML-4D, 4 radar mặt đất, 5 tàu không người lái...
Berlin cho biết, đạn dược cho hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II, 4 máy kéo với sơ mi rơ moóc cùng 10.000 kính bảo hộ cũng đã được chuẩn bị.
Chính phủ Đức lưu ý rằng, năm nay Kiev đã nhận được 5,4 tỷ euro viện trợ quân sự từ Berlin.
Trước đó, Đức đã chuẩn bị một gói viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ euro để tăng cường phòng không cho Ukraine. Gói viện trợ bao gồm Patriot, hệ thống phòng không IRIS-T và pháo tự hành Gepard để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi các cuộc không kích của Nga.
IRIS-T là hệ thống tên lửa tầm trung, được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái.
Bệ phóng có thể dựa trên khung gầm bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (xe địa hình BvS10) và mang theo bốn hoặc tám thùng chứa tên lửa để phóng thẳng đứng.
Phương tiện chính để phát hiện các vật thể trên không là radar CEAFAR GBMMR với lưới ăng-ten hoạt động theo pha. Ngoài ra, hệ thống cũng có thể hoạt động cùng với radar TRML-4D của Đức, giúp phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 250 km.
IRIS-T có hai chế độ bắn: Khóa trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Phiên bản SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 40 km, còn với phiên bản SLS ngắn hơn khoảng 25 km.