Đức cân nhắc các biện pháp hạn chế tụ tập dịp cuối năm
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh, 2 tổ chức công đoàn của cảnh sát Đức gồm GdP và DPolG đã đề nghị cấm đốt pháo hoa trong dịp đón Năm mới như năm 2020 nhằm hạn chế số ca mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời Chủ tịch DPolG Rainer Wendt kêu gọi các địa phương áp đặt lệnh cấm đốt pháo hoa một cách nghiêm ngặt nhất có thể cũng như cần có đủ lực lượng chấp pháp để giám sát việc này.
Phát biểu với báo NOZ, ông Wendt cho rằng cần phải hạn chế tụ tập theo nhóm quy mô lớn, điều sẽ làm gia tăng các nguy cơ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới gia tăng mạnh hiện nay. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch GdP Jörg Radek cũng lấy ví dụ nhiều khu vực ở Hà Lan đã thông báo cấm đốt pháo hoa trong đêm Giao thừa. Theo ông Radek, đây hoàn toàn là quyết định đúng đắn xét về phương diện an toàn và đáng để Đức học hỏi. Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị nếu có nên đốt pháo hoa có kiểm soát tại các điểm trung tâm.
Ngoài vấn đề đốt pháo hoa trong đêm Giao thừa vốn sẽ có rất đông người tập trung thưởng lãm và đón khoảng khắc đầu tiên của năm mới, việc mở các chợ Noel cũng đang là vấn đề gây tranh luận và được áp dụng không đồng nhất tại các địa phương ở Đức. Trước đại dịch COVID-19 thường có khoảng 160 triệu người đổ đến khoảng 3.000 khu chợ Giáng sinh ở Đức và chi tiêu trung bình 2,9 tỷ euro, bên cạnh khoảng 1,4 tỷ euro thu được từ các hoạt động kinh doanh liên quan. Tuy nhiên năm ngoái, đại dịch đã khiến hầu hết các khu chợ phải đóng cửa. Năm nay, nhiều địa phương đã thông báo sớm mở cửa các khu chợ Giáng sinh trong tuần thứ 3 của tháng 11 này và kéo dài muộn hơn phục vụ người dân. Việc quy định phòng dịch như giãn cách, đeo khẩu trang và các quy tắc 3-G sẽ được các nơi áp dụng khác nhau và phần lớn là chưa rõ ràng. Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện thăm dò dư luận Yougov tiến hành, có tới 71% số người dân được hỏi cho biết họ sẽ tới chợ Noel trong năm nay. Chỉ có 4% cho biết sẽ chắc chắn không tới các chợ Noel do dịch bệnh và 18% nói có thể không tham gia.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, số ca lây nhiễm mới tiếp tục ở mức cao và chỉ số lây nhiễm hầu như đều tăng tại các bang trên cả nước. Tại bang Bayern trong 24 giờ qua ghi nhận có tới trên 9.400 ca nhiễm mới, chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm mới trên cả nước trong ngày (30.972 ca nhiễm và 109 ca tử vong) và đây là mức cao nhất ở Bayern từ đầu đại dịch. Ngày 6/11 là là lần đầu tiên số ca mắc mới vượt quá 30.000 ca trong 3 ngày liên tiếp. Chỉ số lây nhiễm tại hai bang Brandenburg và Sachsen trong ngày cũng tăng mạnh, trong đó chỉ số trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Sachsen đạt mức cao nhất nước Đức, với 416. Tỷ lệ lây nhiễm (giá trị R) trong 7 ngày ở mức 1,18, có nghĩa 100 người nhiễm sẽ lây cho 118 người khác. Hiện trên cả nước Đức đang có 2.449 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực, trong đó có phân nửa phải thở máy xâm lấn.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng tăng cường cho tất cả người dân đã tiêm mũi thứ hai trước đó ít nhất 6 tháng nhằm giảm số ca lây nhiễm cũng như tử vong, nhất là ở người cao tuổi. Chủ tịch Hiệp hội Liên ngành về chăm sóc tích cực và cấp cứu (DIVI) Gernot Marx cũng ủng hộ lời kêu gọi này, cho rằng đây là biện pháp mang ý nghĩa quyết định để chống lại làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay. Ông Marx đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng giúp đẩy nhanh tiến trình tiêm nhắc lại cho người dân.
Số ca nhiễm mới tăng lên cũng kéo theo số ca nhập viện và tử vong tiếp tục gia tăng, trong đó phần lớn là người cao tuổi vốn có nguy cơ cao hơn và thường có bệnh nền. Một trong những lý do giải thích cho điều này là hiện vẫn còn khoảng 3,5 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm chủng, trong khi số trường hợp đã tiêm đủ song vẫn tái mắc cũng gia tăng (cho tới nay Đức đã ghi nhận có 145.185 ca, chiếm 0,26% tổng số người đã tiêm đủ). Theo RKI, trong số 1.221 bệnh nhân đã tiêm, bị tái mắc và tử vong thì có tới 878 ca ít nhất 80 tuổi. Nhóm trên 80 tuổi đang là đối tượng nhập viện nhiều nhất vì COVID-19, tiếp đến là nhóm từ 60-79 tuổi. Theo DIVI, sở dĩ số bệnh nhân và ca tử vong ở người cao tuổi gia tăng là do họ đã tiêm mũi thứ hai đã lâu trong khi mắc nhiều bệnh mãn tính nặng. Trong số trên 96.300 ca tử vong có liên quan trực tiếp và gián tiếp với COVID-19 thì có tới 86% là người trên 70 tuổi, dù tỷ lệ theo nhóm tuổi này trong tổng số ca mắc COVID-19 chỉ là 12%.
Điều đáng chú ý là số lượng tương đối cao các trường hợp đã tiêm đủ bị tái nhiễm là những người đã tiêm một mũi của Johnson & Johnson. Tại Đức, vaccine này chiếm chưa đầy 6% tổng số người đã được tiêm đầy đủ, nhưng có tới gần 13% bị tái nhiễm, dù hầu hết các trường hợp không có hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ và được phát hiện tái nhiễm một cách tình cờ.