Đức Long Gia Lai (DLG) lỗ tăng mạnh sau kiểm toán, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát
Thông tin trên vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố vào sáng 5/4. Lý do vì lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (2022-2023) của công ty là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã CK: DLG) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 với kết quả lỗ ròng 594 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ 116 tỷ đồng, chủ yếu bởi khoản dự phòng nợ phải thu quá hạn, khó đòi tăng mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, Tập đoàn Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 1.122 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp vọt lên 658 tỷ đồng, gần gấp 3 lần số từng báo cáo, trực tiếp làm kết quả cuối cùng lỗ nặng. Đó là chưa kể lãi gộp sau kiểm toán mất 55 tỷ đồng do điều chỉnh tăng giá vốn hàng bán, còn 222 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2022, doanh nghiệp này cũng đã lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai giảm 9% so với đầu năm, đạt 5.051 tỷ đồng. Đặc biệt, tập đoàn vẫn có khoản tiền mặt lên tới 194 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp cao hơn 22 tỷ đồng so với đầu năm 2023, ở mức 4.524 tỷ đồng bao gồm vay nợ ngắn hạn và vay nợ dài hạn lần lượt là 1.128 tỷ đồng và 1.682 tỷ đồng. Nợ trái phiếu đến hạn trả lên tới 432 tỷ đồng.
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) cho rằng DLG chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế của các khoản cho vay ngắn và dài hạn số tiền 211 tỷ đồng, đồng thời đơn vị này cũng không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán thích hợp để trích lập dự phòng theo thực tế.
Hiện DLG đã trích lập dự phòng 652 tỷ đồng, chiếm 80% phải thu ngắn hạn của khách hàng, trong đó đáng kể nhất gồm ông Lý Trần Tiến 391 tỷ đồng, Nguyễn Tuấn Vũ 130 tỷ đồng,…
Chưa hết, một nửa trong số hơn 1.100 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn cũng được đánh giá là khó thu hồi, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Có thể kể đến dự phòng 327 tỷ đồng (chiếm 86% khoản vay) từ Công ty Trồng rừng và Cây công nghiệp ĐLGL, 52 tỷ đồng (chiếm 21% khoản vay) từ Phú Thành Gia Pleiku, gần 40 tỷ đồng (chiếm 12,6% khoản vay) từ Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên. Trích lập 105 tỷ đồng từ các đối tượng khác, chiếm đến 57% số tiền cho vay.
Tuy nhiên, tính đến 30/03 năm nay, DLG cho biết đã thu được 1.300 tỷ đồng trên tổng 2.200 tỷ đồng khoản cho vay tín chấp ngắn và dài hạn nhưng chưa thể đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế đối với số tiền 211 tỷ đồng.
Theo kiểm toán, DLG đã có kế hoạch về việc thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh và dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 cũng như khả năng đàm phán của Công ty về việc thanh toán các khoản vay quá hạn và đến hạn thanh toán với các chủ nợ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của DLG.
Tuy nhiên, Công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định, để khắc phục các khó khăn trước mắt HĐQT và Ban điều hành luôn chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo biến động thị trường như cấu trúc tình hình tài chính, tăng cường thu nợ, cắt giảm chi phí nhằm mục tiêu giảm nợ vay ngân hàng. HĐQT cũng đã làm việc với các ngân hàng và đã có văn bản thống nhất cho doanh nghiệp tất toán nợ, miễn toàn bộ lãi. DLG đặt mục tiêu năm 2024 đến 2026 tất toán toàn bộ nợ quá hạn ngân hàng.
Kể từ ngày 11/4, Cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.
Thông tin trên vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố vào sáng 5/4. Lý do vì lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (2022-2023) của công ty là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.