Taliban hiện tại có nguồn lực rất mạnh, nhất là trong bối cảnh thu được kho vũ khí hàng chục tỷ USD từ tay quân chính phủ cũ. Nhưng họ không dùng sức mạnh đánh Panjshir mà hy vọng gây sức ép từ việc siết chặt vòng vây sẽ khiến các lãnh đạo đối lập ở thung lũng này chấp nhận thỏa hiệp và tham gia một chính phủ mới.
Các chính trị gia ở thung lũng Panjshir cho biết, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan của họ có lực lượng gồm vài ngàn binh sĩ, đây là những cựu binh quân chính phủ Afghanistan với các khí tài quân sự như trực thăng, xe bọc thép kết hợp với dân quân sẽ đủ sức kháng cự nếu Taliban tiếp tục tấn công.
Panjshir vừa khước từ đề nghị của Taliban, vì không đáp ứng yêu cầu được tự trị mà họ đưa ra. Taliban hiện một mặt gây sức ép lớn từ lực lượng đang bao vây, một mặt tấn công cầm chừng và cố thỏa hiệp với các thủ lĩnh tại thung lũng này
Các gia đình ở thung lũng Panjshir cho biết, Taliban đã cắt đường dây điện thoại và Internet nối với khu vực này. Tuy vậy Habibi Samangani, phát ngôn viên của Taliban lại phủ nhận vai trò của họ trong việc này.
Giao tranh tại thung lũng này vẫn đang tiếp tục diễn ra, tuy thế dường như Taliban không muốn dùng vũ lực thu hồi Panjshir bằng mọi giá.
"Vấn đề là họ không sẵn sàng nhượng bộ và chúng tôi không chấp nhận bất cứ hệ thống chính trị nào không mang tính toàn diện", Ali Nazary, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của FANR cho biết.
Cuộc đối đầu tại thung lũng Panjshir là phép thử cho tuyên bố của Taliban rằng khi nắm chính quyền, lực lượng này sẽ xây dựng một chính phủ gồm đại diện của tất cả thành phần ở Afghanistan.
Taliban cũng thừa hiểu rằng, dù chiếm được Panjshir bằng vũ lực đi nữa, nhưng nếu không lấy được sự đồng thuận từ các nhóm dân tộc khác, nội chiến vẫn cứ tiếp tục tại Afghanistan. Thực tế lịch sử giai đoạn Taliban nắm quyền (1996-2001) đã chứng minh điều này.
Chính vì thế Taliban do dự không muốn dùng hỏa lực mạnh mẽ với thung lũng Panjshir, đây là nơi sinh sống của dân tộc Tajik thiểu số của Afghanistan. Một số cựu quan chức chính phủ chủ chốt, bao gồm cựu phó tổng thống Amrullah Salleh, đã tới thung lũng này sau khi Taliban tiếp quản Kabul ngày 15/8.
"Taliban đề xuất cho các lãnh đạo ở thung lũng Panjshir chỉ một vị trí trong hệ thống cầm quyền của tiểu vương quốc, tuy vậy giới chính trị tại thung lũng này đã không đồng ý", cựu đại sứ Afghanistan tại Anh Ahmad Wali Massoud nói.
Ông Ahmad Wali Massoud là em trai của thủ lĩnh nổi tiếng Liên minh Phương Bắc Ahmad Shah Massoud cho biết thêm, "hiện phong trào nổi dậy khắp nơi sau khi Taliban nắm quyền vào ngày 15/8".
Ahmad Massoud, con trai cả của cố thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud, hiện là một trong số những lãnh đạo của cuộc kháng chiến tại thung lũng Panjshir.
Ahmad Massoud tuy không có kinh nghiệm chiến đấu, song ông được các chỉ huy quân sự kỳ cựu của quân đội Afghanistan, những người không chịu đầu hàng Taliban hỗ trợ.
Taliban chưa công bố hình thức chính quyền mới của Afghanistan. Thể chế Tiểu vương quốc Hồi giáo mà lực lượng này tuyên bố xác lập về bản chất có tính tập quyền mạnh mẽ vào tay người Pashtun, nhóm dân tộc đa số tại Afghanistan.
Chính vì thế nếu Taliban không dung hòa bằng một chính phủ với sự tham gia của tất cả các sắc tộc đang sinh sống tại Afghanistan, nguy cơ bất ổn tại quốc gia này sẽ tiếp tục bùng phát.
"Panjshir ngày nay không chỉ là một thung lũng, mà là trung tâm và nơi ẩn náu cho những người bị đe dọa tính mạng, những người sợ Taliban và cố gắng tới nơi nào đó để cảm thấy an toàn", cựu Phó Tổng thống Saleh nói.
Ông Saleh cũng tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp của Afghanistan sau khi cựu tổng thống Ashraf Ghani tháo chạy ra nước ngoài hôm 15/8/2021.
Những ngọn núi bao quanh Panjshir đặt ra thách thức cho bất cứ lực lượng nào muốn đánh chiếm nơi này, dù một con đường mới đi qua cửa ngõ thung lũng được mở rộng và có thể khiến việc phòng thủ trở nên khó khăn hơn giai đoạn 1980-2001.
Giới phân tích cho rằng, lực lượng đóng tại thung lũng Panjshir dù có tinh thần chiến đấu cao, kỹ năng tác chiến tốt do phần lớn họ là cựu lính đặc nhiệm Afghanistan, nhưng tình hình hiện nay khác với thời kỳ Liên minh Phương Bắc nằm quyền kiểm soát
Trước đây ngoài thung lũng Panjshir, Liên minh Phương Bắc còn kiểm soát các vùng đất tiếp giáp biên giới các nước, từ đây nguồn tiếp tế lương thực đạn dược đổ vào, hiện nay FANR chỉ kiểm soát mỗi thung lũng, họ hoàn toàn cách biệt với bên ngoài.
Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov ngày 28/8 nhận định Taliban có thể dễ dàng chiếm Panjshir. "Cán cân quân sự cho thấy họ có thể chiếm Panjshir trong một ngày, thậm chí vài giờ, song họ chưa làm điều này để tránh gây đổ máu", đại sử Zhirnov nói.
Nazary, quan chức của phe kháng chiến cho biết, mặc dù Taliban chiếm ưu thế, song lực lượng này đang bị kéo căng vì phải đảm bảo an ninh cho toàn bộ Afghanistan, bao gồm nhiều thành phố lớn hơn nhiều so với thời kỳ nhóm này cầm quyền giai đoạn 1996-2001.
"Taliban khi cầm quyền lần đầu mạnh hơn bây giờ, còn Panjshir thì lại đang ở thế yếu hơn so với giai đoạn 1996-2001, song chúng tôi vẫn cố gắng cầm cự", ông Nazary nói.
"Chúng tôi tự tin rằng mình có thể chống lại họ, Nếu Taliban thực hiện bất cứ động thái khiêu khích nào, phản kháng sẽ lan rộng và không chỉ dừng lại ở thung lũng Panjshir", ông Nazary cảnh báo.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và hạ nghị sĩ Mike Waltz ngày 27/8 kêu gọi Mỹ công nhận Saleh và Massoud là thành viên chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Dù vậy khi mà chiến dịch sơ tán công dân ra khỏi Afghanistan vẫn chưa kết thúc, rất khó lòng để Mỹ ra mặt hỗ trợ cho FANR.
Mặt khác Mỹ cũng đang đợi cách mà Taliban lập chính phủ mới để điều hành Afghanistan, nếu là chính phủ liên hiệp, gần như sự hỗ trợ cho FANR sẽ không có. Còn trong trường hợp Taliban nắm trọn quyền, không loại trừ Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ FANR như cách họ đã hỗ trợ Liên minh Phương Bắc trước đây.
Hiện FANR mới chỉ được đại sứ quán Afghanistan tại Tajikistan công nhận và ngầm hỗ trợ cho lực lượng kháng chiến này. Số phận của thung lũng Panjshir sẽ được định đoạt dựa vào hai yếu tố, việc Mỹ hoàn thành chiến dịch di tản và Taliban công bố chính quyền mới.
Việt Hùng