Đừng bỏ quên chiều cao của trẻ

ĐTO - Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về thể lực, tầm vóc, trí tuệ, nhất là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Để trẻ phát triển toàn diện chúng ta không chỉ chú ý đến cân nặng mà còn phải quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có từng giai đoạn để trẻ phát triển, nếu bỏ qua sẽ không thể lấy lại được.

Nhân viên y tế đo chiều dài nằm và chiều cao đứng cho trẻ theo độ tuổi phù hợp

Nhân viên y tế đo chiều dài nằm và chiều cao đứng cho trẻ theo độ tuổi phù hợp

Theo số liệu tổng điều tra toàn quốc năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm với nam giới và nữ đạt 156,2cm. Chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Có một sự nhầm lẫn là hầu hết các bậc cha mẹ thường chỉ quan tâm đến cân nặng của con và cho rằng suy dinh dưỡng chỉ là nhẹ cân chứ không bao gồm việc thiếu chiều cao. Suy dinh dưỡng về chiều cao (còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi) là tình trạng trẻ có chiều cao thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Đây là tình trạng chiều cao của trẻ chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn, bên cạnh đó còn phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính kéo dài.

Ở Việt Nam, theo Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019-2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6% mức dưới 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Trẻ em bị thấp còi sau này trở thành người lớn cũng có chiều cao thấp.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của suy dinh dưỡng thấp còi chính là tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao dẫn đến chiều cao có thể thấp so với tuổi. Các thông tin cần thu thập để đánh giá là chiều dài nằm (đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi) hoặc chiều cao đứng (đối với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi, trong đó chế độ dinh dưỡng không đảm bảo được xem là nguyên nhân quan trọng nhất (chiếm 32%): trẻ bị thiếu dinh dưỡng trong những năm đầu đời; trẻ không được bú mẹ hoặc bú mẹ không đúng, trẻ khi bị bệnh và sau khi bị bệnh được chăm sóc chưa tốt. Việc trẻ không được cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao ở trẻ. Ngoài ra, chiều cao còn chịu ảnh hưởng từ di truyền (23%), rèn luyện thể lực (20%), còn lại là các yếu tố kinh tế, môi trường sống (25%).

Để giúp cho trẻ có chiều cao tối ưu, cha mẹ cần chú trọng đến dinh dưỡng, đặc biệt là trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời. Khi mang thai, người mẹ cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin và vi chất cần thiết để không sinh trẻ nhẹ cân, non tháng. Nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong 2 năm đầu đời. Cần cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Kết hợp với ăn bổ sung hợp lý về thời gian, thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đủ năng lượng, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Bữa ăn của trẻ cần có các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D. Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng, phòng, chống bệnh tật cho trẻ thông qua vệ sinh cá nhân, cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng và không quên tẩy giun định kỳ cho trẻ.

Sau 1.000 ngày đầu đời, dậy thì chính là giai đoạn “vàng” cuối cùng để phát triển chiều cao cho trẻ mà ba mẹ phải hết sức chú ý để trẻ bắt kịp đà cao lớn. Trẻ cần một chế độ đầy đủ dinh dưỡng và các chất quan trọng để phát triển chiều cao; trẻ cần đi ngủ sớm, trước 22 giờ và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để phát huy tốt nhất quá trình sản sinh Hormone tăng trưởng của tuyến yên giúp tăng chiều cao một cách hiệu quả.

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần khuyến khích trẻ có lối sống năng động, tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp tác dụng tốt tới sự phát triển chiều cao và làm cho hệ cơ xương vững chắc, khỏe mạnh, trẻ ăn ngon, ngủ tốt, phát triển thể chất, tâm lý; lựa chọn bài tập phù hợp cho từng độ tuổi, theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: trẻ em thanh thiếu niên nên vận động ít nhất 60 phút 1 ngày, hạn chế thời gian ngồi tĩnh tại dưới 2 giờ 1 ngày.

Nguyễn Ly (Khoa Dinh dưỡng - CDC Đồng Tháp)

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/dung-bo-quen-chieu-cao-cua-tre-124952.aspx