Đừng để doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội phục hồi khi thị trường ấm lên

Những 'vòng luẩn quẩn' thiếu vốn để nhập khẩu nguyên liệu hay những vướng mắc khi áp dụng chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng, bất cập trong quy định mới ở Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), tiếp tục là những bài học về mặt chính sách. Nếu như không đồng hành bằng những chính sách cụ thể, kịp thời, nhanh chóng hơn, quyết liệt và hợp lý hơn, sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt có thể bỏ lỡ cơ hội phục hồi khi mà thị trường đang dần ấm lên.

Chia sẻ mới đây về vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may hiện nay, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đã dẫn chứng cụ thể trường hợp của ngành sợi. Theo đó, năm 2024, DN sản xuất kinh doanh sợi chỉ được duyệt hạn mức thấp hơn 20% so với năm 2023, nên khi thị trường ấm lên thì DN rơi vào thiếu nguồn vốn lưu động để nhập khẩu nguyên liệu, tổ chức sản xuất.

Vẫn chờ đồng hành ở khâu chính sách

Như băn khoăn của ông Trường, nếu chúng ta không đồng hành với DN bằng các chính sách cụ thể vào thời điểm này, nhất là với DN sợi thì sẽ bỏ lỡ cơ hội phục hồi của ngành sợi. Và một khi DN sản xuất kinh doanh sợi bị thu hẹp sản xuất, đương nhiên khó khăn sẽ chồng khó khăn, cơ hội để lấy lại những gì đã mất của năm 2023 sẽ càng xa vời hơn.

Đừng để DN bỏ lỡ cơ hội phục hồi khi mãi rơi vào “vòng luẩn quẩn” thiếu vốn và các vướng mắc, bất cập trong khâu chính sách.

Đừng để DN bỏ lỡ cơ hội phục hồi khi mãi rơi vào “vòng luẩn quẩn” thiếu vốn và các vướng mắc, bất cập trong khâu chính sách.

Thực tế cho thấy thị trường ngành sợi từ đầu năm 2024 đến nay đã khả quan hơn, mức độ thua lỗ của nhiều DN nội địa ở mảng này đã giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. Cho nên có thể nói đây là thời điểm phục hồi những thiệt hại đã mất và các DN rất muốn vay nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng để triển khai sản xuất. Không những vậy, một thách thức với các DN là chi phí nguyên vật liệu có thể tăng cao, trong khi lãi suất vốn vay vẫn còn cao, áp lực chi phí lao động tăng cao…, nên phần nào ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của họ.

Hoặc như ở lĩnh vực xuất khẩu (XK) tôm. Số liệu mới nhất cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước, theo chuyên viên phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), đó là dấu hiệu cho thấy lượng tồn kho tại các thị trường đã giảm bớt. Điển hình như dấu hiệu phục hồi tại thị trường EU.

Tuy nhiên, trước triển vọng thị trường tôm sẽ ấm dần trở lại thì thách thức lớn cho ngành tôm ở Việt Nam là người nuôi tôm vẫn đang thiếu vốn nên tập trung được nhiều cho khâu nuôi, và như vậy sẽ khó tăng được năng suất, khó giảm giá thành, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường XK.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Bạc Liêu, do chưa thu hồi hết số nợ tồn đọng từ những vụ nuôi trước nên các đại lý hiện đầu tư rất hạn chế cho người nuôi. Trong khi đó, người nuôi nhỏ lẻ hiện đang rất cần nguồn vốn tín dụng hỗ trợ vì bản thân họ rất thiếu vốn.

Nhân chuyện này, cũng nên nhắc lại trong phiên thảo luận tổ mới đây của Quốc hội về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng Chính phủ cần tập trung, quyết liệt giải quyết bài toán thiếu vốn và làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho DN. Nhất là cần tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho DN. Đặc biệt, nên tập trung khai thác triệt để tiềm năng của chính sách tài khóa, giúp cho DN tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời.

Ngoài ra, theo các đại biểu Quốc hội, nhiều ngành, lĩnh vực đáng lẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn nếu như có những chính sách hỗ trợ kịp thời và sớm hơn, quyết liệt hơn. Còn thực tế, các chính sách hỗ trợ của chúng ta thường ban hành chậm một nhịp, khi đó hiệu quả phục hồi sẽ không cao.

Hoặc như trong hạ tuần tháng 5 này, khi góp ý với Bộ Tài chính về dự thảo Đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ rõ việc các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Cần giải quyết “vòng luẩn quẩn”

Như lưu ý của VCCI, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Hai Nghị định này được xây dựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của DN.

“Không ít DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp DN thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất”, phía VCCI chỉ rõ.

Hay như góp ý mới đây vào Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), phía Vasep đã bày tỏ mối lo bất cập trong quy định việc sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Điều 84 của dự thảo luật. Theo đó, việc quy định chung chung tất cả các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia như Dự thảo sẽ có thể dẫn đến hàng triệu lao động của Việt Nam (đang có việc làm hoặc sẽ xin việc làm trong hầu hết các ngành nghề của xã hội) sẽ phải đi học và thi để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới có thể tiếp tục đi làm.

Theo Vasep, điều này sẽ gây lãng phí chi phí và thời gian cho người lao động, đồng thời khiến sản xuất của hàng trăm ngành nghề đình đốn sản xuất khi thiếu có lao động.

Trong đó, riêng ngành chế biến thủy sản (là ngành liên quan đến an toàn thực phẩm), số lượng công nhân phải xin cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã lên tới gần 1 triệu lao động với gần 1.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong khi các công nhân này đều đã có Giấy Chứng nhận kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm (theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP).

Chung quy lại, những “vòng luẩn quẩn” về thiếu vốn, vướng mắc khi áp dụng chính sách giảm thuế GTGT hoặc mối lo bất cập trong quy định mới ở Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) tiếp tục là những bài học về mặt chính sách trên bước đường phục hồi của các DN Việt khi mà thị trường đang dần ấm lên.

Và nếu như khâu chính sách tiếp tục lỡ nhịp, sẽ khó tránh tình trạng các DN bỏ lỡ cơ hội phục hồi, khó khăn lại càng thêm chồng chất. Vì thế, không chỉ bản thân DN phải chủ động nỗ lực hơn nữa mà điều trông chờ là thiện chí, linh hoạt, đồng hành của những nhà hoạch định chính sách ở các bộ ngành có liên quan để giải quyết những “vòng luẩn quẩn” đó.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-doanh-nghiep-bo-lo-co-hoi-phuc-hoi-khi-thi-truong-am-len-1100029.html