'Đừng để người dân phải chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ'
Dẫn một số vụ việc xảy ra gần đây như vụ vi phạm của Công ty địa ốc Alibaba, vụ cháy Nhà máy Công ty Rạng Đông, vụ nước sinh hoạt bị ô nhiễm..., Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng cần được làm rõ, quy trách nhiệm để xử lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; 'đừng để người dân phải chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ trong thực thi nhiệm vụ'.
Sáng nay (30/10), Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Không cải cách mạnh mẽ sẽ tụt lại phía sau
ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) chỉ ra rằng, từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế nước ta.
Ở trong nước, những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế đã tích tụ trong nhiều năm chưa thể khắc phục ngay trong ngày một ngày hai. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhưng chúng ta vẫn có một năm thành công khi cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành; kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm…
“Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng!”, ĐB nhận định.
Tuy nhiên, ĐB Lộc cũng chỉ ra rằng, nhìn về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, chúng ta chưa thể yên tâm.
Theo ĐB, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
“Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này”, ĐB nói.
Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo ĐB, nhiều chuyên gia dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.
“Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó. Mà ngược lại, “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của chúng ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa”, ĐB cho hay.
ĐB Lộc cũng cho biết, cơ cấu xuất khẩu theo thị trường của Việt Nam cũng có những chuyển dịch bất lợi. Bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng không sáng sủa hơn…
“Những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan”, ĐB nhận định và cho rằng nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau!
Liên quan tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ĐB cho hay, dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang mang trong lòng một nghịch lý lớn là chỉ có trên 700 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.
“Không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy”, ĐB nói.
Theo ĐB, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh…
Trong quan hệ nội bộ, hộ kinh doanh đang thiếu vắng một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Quản lý Nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy và hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt.
Để giải quyết vấn đề này, ĐB cho rằng không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mà chỉ có thể khoác “tấm áo pháp lý” mới cho hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta.
Việc này cũng là để bảo đảm thự thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến Pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay !
Thực thi pháp luật đang “có vấn đề”
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đánh giá cao kết quả toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019, về sự chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện các chỉ đạo chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng…
Theo ĐB, những kết quả đạt được đã từng bước củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ĐB, việc thực thi pháp luật của chúng ta đang “có vấn đề”. ĐB cũng cho rằng, khi những ách tắc, chậm trễ, tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện được chỉ ra thì nguyên nhân đầu tiên được nêu là hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay còn chồng chéo, bất cập.
“Tôi cho rằng điều này là không sai nhưng chưa đủ. Những bất cập, chồng chéo đó là ở đâu, như thế nào thì chưa được các cơ quan chức năng chỉ rõ việc điều chỉnh, sửa đổi như thế nào để tháo gỡ kịp thời chưa được quan tâm đúng mức”, ĐB nói.
ĐB Hiền cũng bày tỏ lo ngại rằng tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống.
“Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền, thiết chế công sợ sai, sợ chịu trách nhiệm vì vậy trong thực hiện có lợi cho cá nhân, an toàn, đùn đẩy trách nhiệm. Những tồn tại này tuy không mới nhưng đang có xu hướng ngày càng nhiều hơn. Thực trạng này đang là lực cản lớn trong sự phát triển đất nước của chúng ta, cần được quan tâm và có những giải pháp khắc phục đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở”, ĐB nói.
Vẫn theo ĐB này, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh từ cơ sở, kịp thời điều chỉnh ngay những bất cập, chồng chéo trong văn bản pháp luật, chúng ta cũng cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích những cán bộ dám nghĩ dám làm trong tổ chức thực hiện.
Cho rằng còn tình trạng có những vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nhưng đến khi vụ việc bị phát hiện, phản ánh hoặc xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản thì mới được quan tâm tuyên truyền, ĐB đề nghị Chính phủ cần tăng cường quản lý, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đang được tái diễn trên nhiều ngành, lĩnh vực như xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ô nhiễm môi trường, giáo dục - đào tạo...
Dẫn vụ vi phạm của công ty địa ốc Alibaba, vụ cháy công ty Rạng Đông, vụ nước sinh hoạt bị nhiễm dầu bẩn..., ĐB Hiền nhận định những việc đó đã bộc lộ việc công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hổng, còn buông lỏng, thậm chí là thiếu trách nhiệm, yếu kém. sự tắc trách của nhà nước và doanh nghiệp.
“Những vụ việc này cần được làm rõ, quy trách nhiệm để xử lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Cử tri đề nghị, Chính phủ cần có sự chấn chỉnh, khắc phục kịp thời tình trạng này. Đừng để người dân phải chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ trong thực thi nhiệm vụ”, ĐB nói.
ĐB Hiền cũng cho rằng, qua hơn 30 năm Đổi mới, đến nay chúng ta vẫn chưa tổ chức được bộ máy phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
“Chúng ta đã nhiều lần sắp xếp bộ máy quản trị, các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn tình trạng thay đổi về mô hình, tổ chức còn thiếu khoa học dẫn đến tình trạng tách ra, nhập vào thực hiện liên tục trong khi chức năng, nhiệm vụ không có sự thay đổi lớn, một số sự sát nhập còn được thực hiện một cách cơ học. Cử tri đề nghị, QH, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, khoa học và tổ chức bộ máy phù hợp. Thời điểm này hết sức quan trọng để chúng ta tập trung khắc phục, xử lý những vấn đề trên”, ĐB nhấn mạnh.
Cần có chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ĐB Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt 12 chỉ tiêu QH giao.
Đồng tình và đánh giá cao những nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ; ĐB cho rằng đó là những kết quả quan trọng, toàn diện đạt được là rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức đồng thời tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
ĐB cũng thống nhất với các ý kiến được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của QH, nhất là ý kiến cần đánh giá rõ hơn kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế đất nước.
Về hạn chế, theo ĐB Trà, các hạn chế và nguyên nhân đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ cơ bản là đầy đủ, thẳng thắn và trách nhiệm, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khả thi và quyết liệt trong khắc phục, khơi thông các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển.
“Thiết nghĩ, nếu tiến độ thực hiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn, khai thác sử dụng các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài nguyên khoáng sản và tài sản công hiệu quả hơn, các công trình đầu tư từ vốn ngoài ngân sách nhất là các dự án về hạ tầng, giao thông được triển khai xây dựng và khai thác đúng kế hoạch thì chắc chắn kết quả thu được còn cao hơn, ấn tượng hơn”, ĐB nói.
ĐB nhấn mạnh về hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống.
Theo ĐB, có thể nói đây vừa là hạn chế, tồn tại nhưng cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội.
Dẫn những hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, ĐB còn cho rằng, nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh.
Hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung còn mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các luật, giữa các điều trong một luật; chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao.
“Về nguyên tắc, luật được ban hành là có thể áp dụng được nhưng thực tế luật của chúng ta phải có nghị định và thông tư mới thực hiện được nên còn chậm, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau chưa nói bị lợi dụng và lách luật”, ĐB phân tích.
Theo ĐB, thực tế có việc như khi báo cáo, trình một vụ việc thì các cơ quan chức năng trích dẫn các điều trong văn bản quy phạm pháp luật để cấp thẩm quyền xem xét và quyết định nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến thì chiếu vào các văn bản, điều khoản đó thì lại kết luận là không đúng.
Nhiều khi cấp dưới có khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, vận dụng văn bản pháp luật xin ý kiến thì cấp trên trả lời chung chung, nước đôi như cơ bản thống nhất với đề xuất, kiến nghị nhưng đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật.
“Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố cố tình vận dụng, lợi dụng để lách luật thì còn vấn đề chính là chất lượng, sự đồng bộ thống nhất của các văn bản quy phạm phạm pháp luật”, ĐB cho hay.
Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2020, nhất trí với 12 nhiệm vụ, giải pháp lớn được nêu trong báo cáo của Chính phủ.
ĐB kiến nghị QH, Chính phủ tập trung đầu tư hơn cả về nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng cần có quy định rõ và cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, ĐB đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu, khả thi để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ, thu hút được những người có bản lĩnh, trí tuệ, có tâm, có tầm vào khu vực công; có cơ chế chính sách, khung pháp lý để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được trọng dụng và có môi trường tốt để hoạt động, sáng tạo và yên tâm làm việc, cống hiến.
Cho rằng rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường, ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn cho việc cung cấp thông tin sản xuất nông nghiệp cho người nông dân bởi trở ngại lớn nhất cho nông dân Việt Nam không phải vốn, không phải kỹ thuật canh tác mà là rào cản thông tin.
“Người nông dân hiện nay chỉ nhận thông tin thị trường từ đại lý thu mua, thương lái, không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không biết chính xác cách thức sản xuất của mình có đúng quy luật thị trường. Chừng nào thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến với nông dân thì bi kịch tiêu thụ hàng nông sản sẽ tiếp diễn, không bao giờ chấm dứt”, ĐB nói và cho rằng, việc này các ngành bằng mọi cách đưa thông tin đến tận người dân để họ quyết định vật nuôi, cây trồng cho đáp ứng nhu cầu thị trường.