Dùng điện trường để làm lành vết thương nhanh gấp 3 lần

Các nhà khoa học đã phát triển một loại chip sinh học được thiết kế đặc biệt, sử dụng điện để chữa lành vết thương nhanh gấp 3 lần so với bình thường.

 Mô phỏng cho thấy điện trường có thể tác động lên vết thương theo hướng tích cực. Ảnh: Shutterstock.

Mô phỏng cho thấy điện trường có thể tác động lên vết thương theo hướng tích cực. Ảnh: Shutterstock.

Điện trường có thể hướng dẫn chuyển động của các tế bào da, chẳng hạn đẩy chúng về phía vị trí bị thương. Trên thực tế, cơ thể con người tạo ra điện trường, thực hiện điều này một cách tự nhiên.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Đại học Freiburg (Đức) đã bắt đầu khuếch đại hiệu ứng này. Nghiên cứu của họ được đăng trên tạp chí Lab on a Chip.

Mặc dù phương pháp này không thể chữa lành vết thương nghiêm trọng với tốc độ của một siêu anh hùng Marvel, nó có thể giảm đáng kể thời gian cần thiết để vết thương nhỏ hồi phục.

 Trong thử nghiệm, điện trường chứng tỏ có thể làm lành vết thương nhanh gấp 3 lần so với bình thường. Ảnh: Shutterstock.

Trong thử nghiệm, điện trường chứng tỏ có thể làm lành vết thương nhanh gấp 3 lần so với bình thường. Ảnh: Shutterstock.

Thử nghiệm dùng điện trường chữa lành vết thương

Đối với người có vết thương mạn tính cần nhiều thời gian để chữa lành, chẳng hạn người cao tuổi, người mắc bệnh tiểu đường hoặc người có tuần hoàn máu kém, việc hồi phục nhanh chóng sau vết thương hở nhỏ có thể cứu sống họ, theo đúng nghĩa đen.

"Vết thương mạn tính là vấn đề xã hội lớn nhưng chúng ta thường ít nghe về nó. Việc phát hiện phương pháp giúp vết thương lành nhanh gấp 3 lần có thể thay đổi ‘cuộc chơi’ đối với người già, người mắc bệnh tiểu đường, cũng như các đối tượng khác thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn từ các vết thương khó lành”, Maria Asplund, nhà khoa học điện tử sinh học tại Đại học Freiburg và Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển, cho biết.

Theo Science Alert, mặc dù đã chứng minh điện có thể hỗ trợ chữa bệnh, trước đây, các nhà khoa học chưa thể xác định rõ ràng tác động từ cường độ, hướng của điện trường đối với quá trình này.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu phát triển nền tảng điện tử sinh học và sử dụng nó để phát triển da nhân tạo được tạo thành từ các tế bào gọi là tế bào sừng - loại tế bào da phổ biến nhất, rất quan trọng cho quá trình chữa bệnh.

Họ cũng so sánh việc áp dụng điện trường ở một bên vết thương với từ trường xoay chiều ở cả hai bên vết thương.

Cả tế bào sừng khỏe mạnh và tế bào sừng được thiết kế giống với tế bào ở người mắc bệnh tiểu đường đều di chuyển nhanh hơn gấp 3 lần so với tế bào da khi không có bất kỳ sự can thiệp điện nào. Việc dùng điện trường tác động từ một bên vết thương cho thấy hiệu quả lớn nhất trong việc sửa chữa da nhân tạo trong thời gian nhanh nhất. May mắn, trong thử nghiệm, không tế bào nào bị hư hại bởi điện trường.

 Nếu phương pháp điện trường được thử nghiệm thành công trong việc giúp vết thương trên người thật lành nhanh chóng, nó sẽ cứu sống các bệnh nhân tiểu đường hoặc người già khi họ bị thương. Ảnh: Flickr.

Nếu phương pháp điện trường được thử nghiệm thành công trong việc giúp vết thương trên người thật lành nhanh chóng, nó sẽ cứu sống các bệnh nhân tiểu đường hoặc người già khi họ bị thương. Ảnh: Flickr.

Xem xét để áp dụng lên người

Bà Asplund nói: “Chúng tôi thấy với tế bào sừng bắt chước tế bào của người bị tiểu đường, vết thương lành rất chậm. Tuy nhiên, qua kích thích điện, chúng ta có thể tăng tốc độ chữa lành để các tế bào bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường lành gần như tương ứng với các tế bào da khỏe mạnh”.

Thông thường, các vết thương không lành với tốc độ bình thường sẽ nhanh chóng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến vết thương càng lâu lành hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, điều này có thể dẫn đến cắt cụt chi. Vì vậy, bất kỳ quy trình nào giúp tăng tốc quá trình làm lành vết thương đều đáng để bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nghiên cứu.

Giai đoạn tiếp theo là kiểm tra xem phương pháp này hoạt động như thế nào trên vết thương thực tế ở người sống thay vì tế bào da được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Việc phát triển các ứng dụng thực tế sẽ dựa vào quá trình chuyển đổi các vật liệu được sử dụng sẵn có, rẻ tiền trong thí nghiệm sang các tình huống trong thế giới thực.

Bà Asplund cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các tế bào da khác nhau tương tác như thế nào trong quá trình kích thích để tiến gần hơn đến vết thương thực tế. Chúng tôi muốn phát triển phương pháp để có thể 'quét' vết thương và điều chỉnh kích thích dựa trên từng vết thương. Chúng tôi tin rằng đây là chìa khóa để giúp đỡ hiệu quả những người có vết thương chậm lành trong tương lai”.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-dien-truong-de-lam-lanh-vet-thuong-nhanh-gap-3-lan-post1424731.html