Đừng hám lợi mà đẩy bản thân vào vòng lao lý

Hiện nay, hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có diễn ra khá phổ biến. Từ lòng tham, hám lợi của bản thân, nhiều người đã tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Phiên tòa xét xử trực tuyến bị cáo Phạm Thị Ngọc Dâng cùng các đồng phạm ngày 15-9-2023. Ảnh: T.Tâm

Phiên tòa xét xử trực tuyến bị cáo Phạm Thị Ngọc Dâng cùng các đồng phạm ngày 15-9-2023. Ảnh: T.Tâm

Trong đó, có những người đang làm chủ các cơ sở, tiệm cầm đồ, tiệm mua bán xe hoặc những chủ cửa hàng sửa chữa thiết bị điện tử, nhưng chỉ vì chút lòng tham đã biến mình thành tội phạm. Đến lúc hối hận thì mọi chuyện đã quá muộn.

* Cấu kết để tiêu thụ tài sản gian

Đa số các đối tượng chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường móc nối với những đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản để mua bán, trao đổi tài sản phạm pháp mà có với giá rẻ. Thế nhưng, lợi nhuận chưa thấy mà chỉ thấy bản thân phải vướng vòng tù tội.

Đơn cử mới đây, Viện KSND H.Xuân Lộc đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Hồ Tấn Công (40 tuổi, ngụ H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) về tội trộm cắp tài sản và Nguyễn Phi Hiển (25 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo cáo trạng, vào ngày 14-3-2023, Công điều khiển xe máy mang theo 3 can nhựa (loại 30 lít) đi dọc tuyến quốc lộ 1 với mục đích tìm xe ô tô tải đậu ven đường để trộm dầu đem đi bán. Khi đến khu vực xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), Công phát hiện tại bãi đậu xe của Công ty TNHH H.S.T. có chiếc xe tải ben đang đậu nên Công đã lén tiếp cận hút trộm từ xe tải 93 lít dầu. Trong lúc trộm dầu, Công đã bị phát hiện và bị bắt giữ. Công khai trước đó đã thực hiện 4 vụ trộm dầu trên địa bàn H.Xuân Lộc. Toàn bộ số dầu trộm được đều đem bán cho Hiển. Dù biết đây là tài sản do Công trộm cắp mà có nhưng Hiển vẫn đồng ý mua để bán kiếm lời. Cuối cùng, cả hai đều vướng vòng lao lý.

Thậm chí, có những người dù tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng cũng trở thành đồng phạm chịu cùng tội danh với các đối tượng cầm đầu và phải nhận hậu quả nặng nề.

Như mới đây, Viện KSND tỉnh đã truy tố bị can Phạm Thị Ngọc Dâng (39 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) về tội trộm cắp tài sản. Dâng vốn chỉ mua hàng của nhóm bị can khác nhưng vì có sự bàn bạc thống nhất từ trước nên cũng bị truy tố đồng phạm trong vụ án.

Cụ thể, từ tháng 4-2020 đến 6-2020, có 4 đối tượng là bảo vệ Siêu thị BigC Tân Hiệp (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cùng nhau trộm cắp tổng cộng hơn 2,1 ngàn hộp sữa bột các loại với tổng trị giá hơn 900 triệu đồng. Sau khi trộm cắp được tài sản, nhóm bảo vệ này đem bán cho Dâng và Dâng hứa hẹn sẽ tiêu thụ tài sản trộm cắp được của các đối tượng này. Với hành vi này, Dâng từ người tiêu thụ tài sản đã trở thành đồng phạm và bị truy tố về tội trộm cắp tài sản.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người từng làm chủ cơ sở kinh doanh nhưng chỉ vì lòng tham đã tự đẩy bản thân vào vòng lao lý và đánh mất một khoảng thời gian dài trong tù tội.

Anh T.K.D. (35 tuổi, ngụ H.Tân Phú) kể, bản thân đã từng làm chủ 2 cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại di động tại tỉnh Bình Dương với nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, chỉ vì lòng tham mà anh đã tham gia tiêu thụ hàng gian của một nhóm đối tượng trộm cắp tài sản, để rồi bản thân phải lãnh 8 năm tù giam.

“Tôi đã bỏ lỡ 8 năm của bản thân chỉ vì một số lợi nhuận ít ỏi từ việc tiêu thụ hàng gian. Đây là bài học đắt giá cho bản thân tôi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà không nghĩ tới hậu quả nên đã đẩy bản thân vào chốn lao tù” - anh D. cho hay.

* Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà lãnh hậu quả lâu dài

Hiện nay, nhiều hành vi xâm hại tài sản của người khác như: trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản diễn ra khá phổ biến. Trong đó, việc chứa chấp tài sản hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi tiếp tay cho những loại tội phạm khác. Theo các cơ quan chức năng, với tâm lý chuộng giá rẻ, một số người dù biết tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn đồng ý mua để rồi phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Theo cơ quan chức năng, để góp phần ngăn chặn, đấu tranh với hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người người khác phạm tội mà có, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức phối hợp ngăn chặn loại tội phạm này; không mua bán, trao đổi tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi mua bán, trao đổi tài sản phạm pháp thì cần trình báo cơ quan chức năng để sớm phát hiện và lần tìm, khám phá các vụ án, xác định đối tượng phạm tội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh cho hay, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi mua, trao đổi, nhận hoặc giúp trao đổi, mua bán tài sản mà mình biết rõ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý xã hội.

Trong trường hợp người tiêu thụ không hứa hẹn trước mà chỉ chứa chấp tài sản hoặc tiêu thụ tài sản khi biết do người khác phạm tội mà có sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp tài sản hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Riêng hành vi tiêu thụ tài sản có thỏa thuận trước với người phạm tội thì sẽ phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm và phải lãnh mức án tương xứng với hành vi của bản thân đã gây ra.

Trước thực trạng chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ngành Công an cho biết, đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và luôn cảnh giác với việc tiêu thụ hàng gian. Đồng thời, lực lượng công an các địa phương đã phát huy hiệu quả các hình thức tố giác tội phạm và kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm này và các tội phạm liên quan.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202310/dung-ham-loi-ma-day-ban-than-vao-vong-lao-ly-2175d9b/