'Đụng' lợn cuối năm, không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Nhiều người vẫn nghĩ chỉ khi ăn tiết canh mới nhiễm khuẩn liên cầu lợn, tuy nhiên việc tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn nhiễm bệnh khi pha thịt, hoặc ăn thịt sống, tái... cũng nguy cơ cao mắc loại khuẩn chết người này.
Nhiều ca nhập viện sau khi thịt lợn tất niên
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng sốt cao thành cơn kèm theo rét run, đau đầu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị... Bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn liên cầu lợn dù không ăn bát tiết canh.
Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết trước đó ít ngày, nhà bệnh nhân có đám nên mổ lợn. Khi pha thịt lợn, khuẩn liên cầu lợn đã xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân qua vết thương đứt tay trước đó.
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau vài ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, đỡ đau đầu và đang tiếp tục được theo dõi.
Khoảng 10 ngày trước, cũng tại bệnh viện này, một nam bệnh nhân (50 tuổi, trú tại Nam Định) đã tử vong vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trước ngày nhập viện, bệnh nhân mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau đó một ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái.
Được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân tử vong sau đó do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, gây suy đa tạng, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu nặng.
Tránh xa các món thịt sống
Theo BS Nguyễn Quốc Phương, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người.
Nguy cơ nhiễm bệnh thường bắt nguồn từ các thói quen ăn sản phẩm chế biến từ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm cả máu, nội tạng lợn... Người chăn nuôi lợn, bác sĩ thú y, công nhân chế biến và vận chuyển thịt, người bán thịt và đầu bếp có vết thương trên da cũng có thể nhiễm liên cầu lợn nếu tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn mang mầm bệnh.
Người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn với suy đa cơ quan, viêm nội tâm mạc và viêm khớp như hông, khuỷu tay, cổ tay, xương cùng chậu, cột sống và ngón tay cái. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao.
Người bị mắc liên cầu lợn có thể bị mất thính lực vĩnh viễn (điếc) và rối loạn tiền đình là những di chứng thường được ghi nhận của những bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo an toàn lao động trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, ăn các sản phẩm của lợn được chế biến chín, không ăn tiết canh, lợn ốm, chết...
"Cận Tết cổ truyền của dân tộc, ở một số vùng nông thôn Việt Nam vẫn duy trì phong trào "đụng" lợn. Cả mấy nhà chung nhau mổ một con lợn, sau đấy chia nhau thịt mang về. Còn một số sản phẩm khác như cuống họng, phổi lợn, lòng lợn được băm chặt chế biến làm tiết canh. Để phòng bệnh người dân không nên ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống dưới mọi hình thức cho dù lợn khỏe nhà nuôi", BS Thiệu khuyến cáo.
Để phòng lây nhiễm khuẩn liên cầu lợn, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 700 độ C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.