Dùng phấn rôm cho tóc có hại không?

Nhiều người dùng phấn rôm để khắc phục tình trạng tóc bết, thay thế cho việc gội đầu thông thường. Tuy nhiên, dùng phấn rôm cho tóc có tốt không? Cần lưu ý gì khi sử dụng phấn rôm cho tóc bết?

1. Bôi phấn rôm lên tóc có tác dụng gì?

Theo ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam cho biết, có 2 thành phần chính trong phấn rôm là bột talc và một loại bột làm từ ngô. Trong đó, bột talc là một loại khoáng chất đất sét có tính thấm hút nước, giữ khô. Nhờ đó mà phấn rôm thường được sử dụng lên vùng rôm sảy ở trẻ nhỏ nhằm mục đích thấm hút hết mồ hôi bám trên bề mặt da, giúp da khô thoáng.

Ngoài ra, một số người truyền tai nhau về mẹo dùng phấn rôm cho tóc bết. Nhờ khả năng hút ẩm rất hiệu quả, phấn rôm có thể loại bỏ dầu thừa trên tóc, nhanh chóng khắc phục tình trạng tóc bết nếu bạn không có thời gian gội đầu.

Tuy nhiên, dùng phấn rôm cho tóc có tốt không? Trao đổi về vấn đề này, ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo cho biết, việc sử dụng phấn rôm, cũng như các loại dầu gội khô cho tóc bết chỉ nên coi là phương án tạm thời.

Lạm dụng phấn rôm có thể khiến da đầu mất đi lớp dầu tự nhiên, dễ dẫn đến khô. Khi da đầu không khỏe, tóc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trở nên khô xơ, yếu, gãy rụng... Không những thế, phấn rôm lưu lại quá nhiều trên da đầu và tóc trong thời gian dài sẽ gây ra các mảng gàu, làm da đầu trở nên ngứa ngáy, khó chịu. Vì vậy, không nên sử dụng phấn rôm thay thế cho việc gội đầu quá thường xuyên.

Nhờ khả năng hút ẩm rất hiệu quả, nhiều người dùng phấn rôm để loại bỏ dầu thừa, khắc phục tình trạng tóc bết.

Nhờ khả năng hút ẩm rất hiệu quả, nhiều người dùng phấn rôm để loại bỏ dầu thừa, khắc phục tình trạng tóc bết.

2. Lưu ý cách dùng phấn rôm cho tóc bết

Bạn có thể dùng phấn rôm để khắc phục tình trạng tóc bết trong trường hợp khẩn cấp. Sau mỗi lần dùng phấn rôm, bạn nên gội đầu. Tránh sử dụng liên tục nhiều lần bởi phấn rôm có thể lưu lại trên da đầu, dẫn đến các tác dụng phụ nói trên.

Cách dùng phấn rôm khắc phục tóc bết như sau:

Chia tóc thành 4 phần hoặc nhiều hơn.
Đổ bột phấn rôm ra lòng bàn tay và thoa lên chân tóc từng phần một. Bạn nên bắt đầu từ đỉnh đầu rồi đến sau gáy.
Sau khi phủ phấn lên toàn bộ phần chân tóc, bạn cúi xuống và đẩy tóc về phía trước, sau đó dùng tay cào nhẹ tóc hoặc dùng lược răng thưa để chải phần bột thừa trên tóc.

Lưu ý, nếu thoa bột phấn rôm lên chân tóc không đồng đều, bạn có thể thấy có những phần tóc không hút dầu và vẫn bết dính. Do đó, hãy đảm bảo thoa đều và với lượng vừa đủ, tránh dùng quá nhiều phấn rôm.

Ngoài cách sử dụng nêu trên, bạn có thể dùng mút trang điểm để thoa phấn rôm lên chân tóc. Cách làm này có ưu điểm giúp bột phủ đều ở chân tóc hơn, nhờ đó, khả năng hút dầu cũng tốt hơn.

Lạm dụng phấn rôm có thể khiến da đầu mất đi lớp dầu tự nhiên, dễ dẫn đến khô.

Lạm dụng phấn rôm có thể khiến da đầu mất đi lớp dầu tự nhiên, dễ dẫn đến khô.

3. Làm sao để hạn chế tình trạng tóc bết?

Để giữ cho mái tóc luôn sạch sẽ, nhiều người thường chọn có thói quen gội đầu thường xuyên mỗi ngày. Tuy nhiên, gội đầu thường xuyên chưa hẳn là tốt, chất nhờn bị loại bỏ và không thể giữ cho tóc bóng mượt, chắc khỏe. Khi đó cơ thể lại tiếp tục phát ra tín hiệu sản xuất nhiều dầu hơn để bù lại cho lượng dầu đã mất gây bết tóc nhanh hơn.

Muốn hạn chế tình trạng tóc bết, bạn nên:

- Thay đổi thói quen chăm sóc tóc bằng cách dùng một lượng dầu gội vừa đủ khi gội đầu để tạo bọt với nước trước khi thoa lên tóc và da đầu.

- Thực hiện mát xa nhẹ nhàng, kỹ lưỡng. Không nên dùng móng tay cào hoặc chà xát quá mạnh vào da đầu bởi việc này có thể gây kích ứng dầu tiết ra nhiều hơn.

- Dầu xả có thể khiến dầu tích tụ khiến tóc bết nhanh hơn, vì vậy chỉ nên thoa dầu xả vào phần đuôi tóc để dưỡng cho chúng không bị khô cứng và cần gội sạch sau đó.

- Giữ gối và chăn ga sạch sẽ để hạn chế dầu thừa từ da mặt và tóc còn đọng lại.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ vitamin B, đặc biệt là vitamin B2 (riboflavin) và vitamin B6 (pyridoxine) có thể giúp cải thiện tình trạng tóc bết dầu bằng cách điều chỉnh sản xuất bã nhờn.

Bạn có thể tìm thấy những vi chất này trong các loại thực phẩm như đậu, thịt, gia cầm, cá, các loại rau có màu xanh lá đậm, khoai tây, ngũ cốc và một số loại quả như bơ, dưa hấu, cam quýt và chuối...

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Rụng tóc: Khi nào cần đi khám bác sĩ | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-phan-rom-cho-toc-co-hai-khong-169231212213125601.htm