Dùng tai nghe đúng cách để phòng suy giảm thính lực

Nhiều người yêu thích âm nhạc và thường sử dụng tai nghe, tuy nhiên việc sử dụng như thế nào để bảo vệ tai cũng là một trong những kiến thức cần biết.

Đeo tai nghe có thể ảnh hưởng tới sức nghe, thậm chí bị tổn hại vĩnh viễn đến thính giác nếu sử dụng không đúng cách. Theo ước tính một phần ba trường hợp mất thính lực – điếc vĩnh viễn có thể ngăn ngừa được, việc sử dụng tai nghe không đúng cách có thể khiến tai chịu đựng sức ồn ngang với tiếng cưa máy, búa khoan, xe máy và tất nhiên là cả những buổi hòa nhạc. nhạc pop.

Nguyên nhân nào gây mất thính giác do tiếng ồn?

Tai bao gồm ống tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa được ngăn cách với ống tai bởi màng nhĩ. Tai giữa có chuỗi xương con dẫn truyền âm thanh gồm: Xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Tai trong thành phần chính là ốc tai, là cơ quan cảm giác của thính giác.

Để có thể nghe được năng lượng âm thanh phải đủ mạnh để các tế bào lông trong ốc tai chuyển động. Nhưng tiếng ồn lớn có thể làm hỏng các tế bào lông này. Việc tiếp xúc nhiều lần với tiếng ồn lớn sẽ làm tổn thương các tế bào lông ngoài, làm ốc tai không thể chuyển tiếp tốt các thông điệp âm thanh đến não.

Không giống như tổn thương các bộ phận khác trên cơ thể, tổn thương tai trong không bao giờ lành. Những sợi lông đó không bao giờ mọc lại và theo thời gian, khi ngày càng nhiều tế bào lông bị hư hại, thính giác của bạn sẽ ngày càng kém đi không thể phục hồi được.

Điều quan trọng nếu thời gian tiếp xúc với tiếng ồn lớn kéo dài, các tế bào lông ngày càng tổn thương nhiều là nguyên nhân gây suy giảm sức nghe. Đó là lý do tại sao một số ngành nghề như công nhân xây dựng, công nhân nhà máy cơ khí, cảnh sát và quân nhân bị nghe kém nhiều hơn.

Tiếng ồn ở mức độ nào là nguy hiểm?

- Mức độ tiếng ồn được đo bằng decibel (dB): Con số này càng cao thì tiếng ồn càng lớn. Bất kỳ âm thanh nào trên 85dB đều có thể gây hại, đặc biệt nếu tiếp xúc với âm thanh đó trong thời gian dài.

- Cảnh báo: Âm lượng cao nhất trên máy nghe nhạc của Apple như iPhone là khoảng 102 decibel. Dưới đây là một số so sánh giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

+ Tiếng thì thầm: 30dB

+ Giao tiếp thông thường: 60dB

+ Âm nền khi giao thông đông đúc: 80 - 90dB

+ Xe máy: 96 - 100dB

+ Máy tuốt lúa: 106 - 115dB

+ Buổi hòa nhạc/sự kiện thể thao nhạc rock: 120 - 129dB

+ Máy bay cất cánh:120dB.

Đeo tai nghe có thể ảnh hưởng tới sức nghe, thậm chí bị tổn hại vĩnh viễn đến thính giác nếu sử dụng không đúng cách.

Đeo tai nghe có thể ảnh hưởng tới sức nghe, thậm chí bị tổn hại vĩnh viễn đến thính giác nếu sử dụng không đúng cách.

Dấu hiệu cảnh báo khi bạn tiếp xúc âm thanh quá lớn

Nếu không có máy đo decibel làm sao chúng ta biết được liệu tiếng ồn mà bạn tiếp xúc có quá lớn hay không? Dưới đây là một số dấu hiệu cần lưu ý:

+ Chúng ta không thể nghe thấy người khác nói chuyện với mình, dù chỉ đứng cách nhau một cánh tay, trừ khi họ đang hét lên.

+ Những người ngồi gần có thể nghe tiếng nhạc của bạn qua tai nghe.

+ Nếu tháo tai nghe và đưa ra trước mặt với độ dài một sải tay, bạn vẫn có thể nghe rõ tiếng nhạc.

Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào, hãy giảm nhỏ nhạc xuống trước khi nó gây hại nhiều hơn cho tai của bạn.

Cần làm gì để bảo vệ đôi tai?

Không nên mở âm lượng quá to, điều chỉnh sao cho mức âm lượng không quá 60% so với mức cao nhất của thiết bị. Không đeo tai nghe quá lâu, không nên đeo tai nghe lúc ngủ, vì dễ ngủ quên.

Dùng các loại tai nghe vừa khít với tai để không phải tăng volume do ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài. Nếu không thì phải nhớ rằng: Khi volume bật càng to thì thời gian nghe càng phải được rút ngắn tương ứng.

Nên dùng các loại tai nghe chụp cả tai. Loại tai nghe này sẽ ngăn không cho âm thanh bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự "trung thực" của âm thanh, nhưng loại tai nghe này lại rất đắt và cũng khá "cồng kềnh", nên không nhận được sự ưu ái từ các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất để hạn chế tác hại của việc đeo tai nghe.

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày là nên nghe nhạc, học tập... bằng loa ngoài, nếu cần dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn. Không nên nghe trong môi trường quá ồn ào, vì người nghe phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn.

Người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì sẽ làm cho viêm tai dễ tái phát. Chỉ nên đeo tai nghe khoảng dưới 2 giờ/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe bằng tai nghe khi ngủ.

Khi thấy có biểu hiện ù tai, nghe kém, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng với các trang thiết bị đo thính lực để khám và được hướng dẫn điều trị hiệu quả.

BS. Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-tai-nghe-dung-cach-de-phong-suy-giam-thinh-luc-169240607185112551.htm