Dùng thuốc điều trị bệnh đa hồng cầu nguyên phát
Đa hồng cầu nguyên phát là một căn bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi, nhưng thường có thể kiểm soát hiệu quả trong thời gian rất dài. Tuy nhiên, người bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Đa hồng cầu nguyên phát là một căn bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi, nhưng thường có thể kiểm soát hiệu quả trong thời gian rất dài. Mục tiêu của liệu pháp là giảm nguy cơ huyết khối và làm dịu các triệu chứng bằng cách giảm số lượng tế bào máu thừa; giám sát giảm mức hematocrit xuống dưới 45% đối với nam giới và 42% đối với nữ giới là rất quan trọng.
Nội dung
1. Các phương pháp điều trị đa hồng cầu nguyên phát
2. Một số lưu ý đặc biệt
3. Làm gì khi mắc đa hồng cầu nguyên phát?
Bệnh nhân thường được coi là có nguy cơ thấp nếu: Dưới 60 tuổi và không có tiền sử huyết khối; có nguy cơ cao nếu từ 60 tuổi trở lên và/hoặc có tiền sử huyết khối.
1. Các phương pháp điều trị đa hồng cầu nguyên phát
1.1. Phương pháp rút máu
Tác dụng: Có thể dùng phương pháp rút máu để điều trị cho bệnh nhân bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Việc lấy máu thường xuyên để giảm số lượng tế bào máu và giảm thể tích máu. Đây là thủ thuật lấy máu từ tĩnh mạch tương tự như khi hiến máu. Sau khi rút máu, máu loãng hơn sẽ làm giảm độ nhớt máu.
Tác dụng tức thời của liệu pháp là làm giảm một số triệu chứng, chẳng hạn như đau đầu, ngứa, các vấn đề về thị lực, ù tai và chóng mặt. Tần suất cần lấy máu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Tác dụng phụ: Người bệnh có thể gặp một số nguy cơ như hạ huyết áp tư thế, thiếu sắt nhưng không được điều trị bổ sung sắt, giảm các thành phần khác trong máu…
Lưu ý: Thận trọng khi điều trị cho người mắc bệnh tim mạch, phụ nữ mang thai.
1.2. Aspirin liều thấp
Tác dụng: Aspirin liều thấp giúp ngăn ngừa tiểu cầu dính lại với nhau, có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, đau tim và đột quỵ. Aspirin liều thấp cũng có thể giúp giảm đau rát ở bàn chân hoặc bàn tay.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của aspirin là đau dạ dày và ợ nóng.
1.3. Thuốc làm giảm số lượng tế bào máu
Nếu việc lấy máu tĩnh mạch không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc làm giảm số lượng hồng cầu trong máu, bao gồm:
- Hydroxyurea: Thuốc được sử dụng khi tiếp cận lấy máu tĩnh mạch kém, yêu cầu lấy máu tĩnh mạch cao, khi không thể lấy máu tĩnh mạch do lý do khác, tăng tiểu cầu nghiêm trọng, ngứa dai dẳng.
Tác dụng phụ: Hydroxyurea có thể làm giảm nghiêm trọng số lượng tế bào máu trong tủy xương, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc chảy máu.
Nếu người bệnh gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức: Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau họng, khó thở, ho và nghẹt mũi liên tục; chảy máu hoặc bầm tím bất thường; phân có máu (hoặc đen, hắc ín), hoặc nôn ra máu.
- Ruxolitinib: Thuốc được sử dụng khi bệnh nhân không dung nạp hoặc không đáp ứng với hydroxyurea, làm giảm đáng kể tình trạng lách to, cải thiện các triệu chứng và tăng khả năng sống sót.
Tác dụng phụ: Việc sử dụng ruxolitinib có liên quan đến việc tăng nguy cơ thiếu máu, thường giới hạn liều dùng và giảm tiểu cầu.
- Busulfan:Có thể kiểm soát số lượng máu, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và chảy máu. Khi dùng thuốc, các vấn đề về thị lực, đau đầu, mệt mỏi, ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân, đổ mồ hôi đêm, khó thở, chảy máu, bệnh gout và ngứa sẽ giảm. Hiếm khi busulfan được dùng trong thời gian dài, chỉ dùng từ 4-6 tuần.
Tác dụng phụ: Hầu hết mọi người dùng thuốc này đều dung nạp tốt và có ít tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ hay gặp là khó thở, dễ mệt mỏi, dễ chảy máu, sốt cao, ớn lạnh.
1.4. Điều trị giảm ngứa
Một triệu chứng khó chịu xảy ra ở nhiều bệnh nhân đa hồng cầu nguyên phát là ngứa da. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Tắm ít hơn: Tắm bằng nước mát và sử dụng xà phòng dịu nhẹ, tránh tắm nước nóng.
- Giữ ẩm cho da bằng kem dưỡng da và cố gắng không gãi vì có thể làm hỏng da.
- Thuốc kháng histamin như diphenhydramine hoặc doxepin có thể giúp giảm ngứa.
- Liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học) sử dụng thuốc psoralen kết hợp với tia cực tím A (UVA).
- Các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như gabapentin hoặc pregabalin ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương gửi tín hiệu kích hoạt ngứa.
Mục tiêu của điều trị đa hồng cầu nguyên phát là giảm nguy cơ huyết khối và làm dịu các triệu chứng bằng cách giảm số lượng tế bào máu thừa.
2. Một số lưu ý đặc biệt
Với phụ nữ mang thai: Các biện pháp điều trị tiêu chuẩn là lấy máu tĩnh mạch và aspirin liều thấp là phù hợp trong hầu hết các trường hợp. Một số phụ nữ có nguy cơ cao có thể cần bổ sung pegylated interferon (IFN)-alpha.
Với trẻ sơ sinh: Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị, nhưng thỉnh thoảng cần phải truyền máu thay thế do độ nhớt tăng cao.
3. Làm gì khi mắc đa hồng cầu nguyên phát?
Nếu bị chẩn đoán mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát, có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để cải thiện tình trạng bệnh:
- Tập thể dục: Tập thể dục vừa phải như đi bộ có thể cải thiện lưu lượng máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Các bài tập và động tác kéo giãn chân và mắt cá chân cũng cải thiện lưu thông máu.
- Tránh xa thuốc lá: Thuốc lá có thể khiến mạch máu bị hẹp lại, làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ do cục máu đông.
- Tránh xa môi trường thiếu oxy: Sống ở vùng cao, trượt tuyết hoặc leo núi đều làm giảm nồng độ oxy trong máu.
- Cố gắng không gãi, vì có thể làm hỏng da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Sử dụng kem dưỡng da để giữ ẩm.
- Tránh nhiệt độ khắc nghiệt: Lưu lượng máu kém làm tăng nguy cơ bị thương do nhiệt độ nóng và lạnh. Luôn mặc quần áo ấm, đặc biệt là ở tay và chân khi thời tiết lạnh. Trong thời tiết nóng, hãy bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời và uống nhiều nước.
- Chú ý đến các vết loét: Lưu thông máu kém có thể khiến các vết loét khó lành, đặc biệt là ở tay và chân. Kiểm tra bàn chân thường xuyên và báo cho bác sĩ về bất kỳ vết loét nào.