Đừng vô lễ

Bài viết trong kỷ yếu Hội thảo giáo dục năm 2021 với chủ đề 'Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục' của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS. TSKH Trần Ngọc Thêm có đưa ra quan điểm nên bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' trong nhà trường(1), cho rằng đó là 'sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành', đòi hỏi người dưới phải phục tùng người trên, làm cản trở sự phát triển xã hội, đã gây phản ứng xôn xao trong làng giáo.

Đừng vô lễ

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Châm ngôn đã qua trải nghiệm

Câu cách ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” có từ xa xưa. Thời tôi học tiểu học, mỗi tuần thầy giáo viết lên bảng một câu cách ngôn, như “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Học thầy không tày học bạn”… trong đó có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Những năm sau năm 1975, ở các trường phổ thông không thấy câu cách ngôn ấy nữa. Đến những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hiện tượng bạo lực học đường, học sinh ngỗ ngược vô lễ với thầy cô diễn ra trên đà báo động, tôi lại thấy ở nhiều trường phổ thông từ tiểu học đến trung học xuất hiện câu cách ngôn ấy trên tường, trước cổng cho đến nay. Khi gắn câu cách ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” lên tường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, học sinh, cũng như phụ huynh đều hiểu như nhau rằng, “lễ” ở đây là lễ phép, là cung cách kính trên nhường dưới, phải biết sống có văn hóa, biết phép xã giao lịch sự, biết giữ nhân cách của mình và tôn trọng phẩm giá người khác. Đã là “người” trong mối quan hệ ứng xử từ gia đình đến làng xã – cộng đồng xã hội, điều trước tiên là phải biết lễ phép. Nhà trường lâu nay dùng chữ “lễ” để hướng dẫn cho học trò biết cách chào hỏi, nói năng, xưng hô lịch sự, biết cảm ơn và biết xin lỗi, lên xe buýt biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người tàn tật, biết cách xếp hàng không chen lấn ở chỗ đông người, đi về biết thưa trình ông bà, cha mẹ. Chữ “lễ” trong nhà trường hiện nay được xem là những biểu hiện về hạnh kiểm, đạo đức của mỗi cá nhân học trò. Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào giải nghĩa “Tiên học lễ, hậu học văn”: “Một kinh nghiệm giáo dục trẻ em: trước hết là phải học lễ nghĩa đạo đức, sau mới học chữ nghĩa văn chương”(2). Việc rèn luyện lễ nghĩa đạo đức trong nhà trường cho học sinh là việc làm cần thiết và quan trọng. Trong học bạ đánh giá xếp loại học sinh mỗi học kỳ, mỗi năm học chỉ có 2 mặt: đạo đức và học lực. Đó cũng là hai mặt cốt lõi về bản chất của học sinh. Thầy cô rất quan tâm việc rèn đạo đức cho học sinh, như khi ra đề làm văn yêu cầu bình luận câu: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” – câu nói của Hồ Chủ tịch lúc sinh thời trong một lần nói chuyện với học sinh. Người đặt vấn đề đạo đức lên trên, bởi có tài mà anh kiêu ngạo, xấc láo, nham hiểm, gian xảo, khi sử dụng cái tài ấy vào những việc vô đạo thì cực kỳ nguy hiểm, tai họa khôn lường. Tài năng của những loại người ấy không thể sử dụng được, cần vứt bỏ.

Dạy cho học sinh biết “lễ” trong ứng xử sẽ đem lại mối quan hệ ấm áp cho mỗi gia đình, làm cho toàn xã hội được trật tự bình yên. Người Nhật từ trẻ em đến người lớn, khi xe cơ giới dừng lại nhường đường cho họ đi qua, khi đi qua rồi họ xoay người lại cúi đầu chào biểu hiện lòng biết ơn. Trên đường phố Singapore, tài xế xe hơi khi thấy người đi bộ có dự kiến qua đường, họ dừng xe cách chừng 15 m và vẫy tay cho người đi bộ băng qua an toàn. Có được hành vi lịch sự, văn minh như vậy là nhờ họ được giáo dục lễ phép ngay từ cấp học mẫu giáo, tiểu học. Chứ đâu giống ở ta, tài xế lái xe tải chạy ẩu tả ngược đường cao tốc, bọn trẻ đua xe gây tai nạn kinh hoàng. Chạy xe sai luật còn hành hung, có lời lẽ xấc láo, đả thương cảnh sát giao thông thi hành công vụ. “Học lễ” trong nhà trường hiện nay là giúp học sinh biết ứng xử lịch sự, văn hóa, chứ gì đâu mà bảo “học lễ” là không có dân chủ trong giáo dục, là trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều từ dưới lên trên, là đào tạo con người chỉ biết thừa hành, không có tinh thần phản biện, sáng tạo… như GS Thêm đã nói?! Ông bảo gỡ bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong trường học đồng nghĩa với việc xóa bỏ mục đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học sinh ghi trong học bạ.

Bỏ lễ con người thành gì?

Cần tham khảo lấy ý kiến từ đại chúng, với lợi ích thực tiễn cho giáo dục, cái gì cần giữ, cái gì cần bỏ, không vì ý kiến một cá nhân hay một nhóm người mà quyết định về những vấn đề hệ trọng chưa kiểm định vững chắc về giáo dục. Đừng như trước đây, cải cách chữ viết làm mất “râu”, khi nhận ra sai lầm phải chỉnh sửa thì không thấy ai chịu trách nhiệm. Cũng đừng quá vội vàng, như chuyện phượng ngã đổ đè học sinh, thế là hùa theo lên án phượng, đốn sạch. Không lẽ cùng mùa mưa năm ấy, một số bức tường sụp ngã đè học sinh, phải đập phá hết các bức tường hay sao! Tóm lại một điều cốt lõi mà ông bà, cha mẹ, thầy cô lo sợ nhất là khi con cháu, học trò của mình mất nết, vô lễ.

Võ Nguyên

(1) Nguồn: vov.vn – 27/11/2021; (2) NXB Giáo dục, tr. 593, Hà Nội – 1993.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/dung-vo-le-143880.html