Dùng y thuật để giữ trọn đạo hiếu
Có những món quà vượt lên trên giá trị vật chất. Có những tấm lòng lặng lẽ gieo mầm hy vọng cho ánh sáng cuộc đời và trao đi để người khác tiếp tục sống
Rời xa trần thế chưa lâu song đôi mắt của "em bé" ấy đã nhìn thấy những tia nắng đầu tiên khi được ghép vào một cơ thể mới. "Em bé" là cách xưng hô thân thương mà anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa (ngụ TP HCM) dành cho người cha quá cố của mình vừa để lại cho đời món quà vô giá.
Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi
Từ ngày ông C.N (75 tuổi, cha anh Nghĩa) qua đời, nỗi đau vì mất đi người thân vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng anh.
Anh Nghĩa tâm sự chứng kiến cha mẹ ngày một già yếu, anh quyết định gác lại những hoài bão, công việc riêng để học y học cổ truyền. Mục tiêu chính của anh là muốn có kinh nghiệm và kiến thức để tự tay phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ thật tốt. Thế nhưng, khi anh đang thực tập để lấy chứng chỉ hành nghề y thì "em bé" đã vĩnh viễn rời xa.

Các bác sĩ tiến hành lấy giác mạc tại nhà người hiến
Mở điện thoại trên tay, anh Nghĩa cho chúng tôi xem một bài đăng trên trang Facebook của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Nội dung bài đăng viết: "Ngày 25-3-2025, tại Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, chúng tôi đã đón một đoàn khách vô cùng đặc biệt - những bệnh nhân từng được ghép giác mạc - nay đã có lại ánh sáng nhờ món quà vô giá từ những người hiến tặng. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi, những cái ôm ấm áp đã được trao. Không chỉ là cuộc gặp gỡ, đây còn là một minh chứng sống động cho giá trị nhân văn cao đẹp của việc hiến tặng mô giác mạc. Những người ra đi đã để lại ánh sáng, những người ở lại tiếp tục lan tỏa yêu thương".

Ánh sáng cho đi, cuộc đời ở lại
Anh Nghĩa giải thích: "Theo luật, người hiến giác mạc sẽ không có thông tin người nhận giác mạc. Thế nhưng, mình có thể biết thông tin qua các kênh khác. Trong vòng 2 tuần từ ngày "em bé" hiến giác mạc, bệnh nhân nào được phẫu thuật ghép giác mạc thành công thì đó có thể là người đã nhận giác mạc của ba tôi".
Không khí trầm buồn được thay bằng giọng nói đầy lạc quan, tự tin. Anh Nghĩa cho biết giác mạc của cha anh đã giúp 2 người bệnh tìm thấy ánh sáng. Đó chính là tín hiệu vui, cũng là niềm động lực lớn lao giúp anh tiếp tục cố gắng hoàn thành mục tiêu trở thành y sĩ y học cổ truyền. "Mặc dù "em bé" đã ra đi nhưng ánh sáng vẫn còn mãi. Cuộc sống của ba vẫn đang tiếp diễn, chỉ là ở trong hình hài và cơ thể mới" - anh tự hào.
Nhắc lại ca hiến giác mạc này, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, nhân viên Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết trường hợp hiến giác mạc của cụ ông C.N rất đặc biệt, diễn ra ngay trong ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Khi tiếp nhận thông tin có một bệnh nhân qua đời hiến giác mạc, ngay lập tức ê-kíp đã bay từ Hà Nội vào TP HCM để lấy "ánh sáng" và bay ngược trở về Hà Nội ngay trong đêm để kịp thời lưu giữ, bảo quản.
"Đó là một hành trình dài hơn 1.700 km với nhiều cảm xúc và đầy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và Bệnh viện Mắt TP HCM" - chị Dương bày tỏ.
Gửi lại di sản yêu thương
Từng chứng kiến khoảnh khắc các bác sĩ thao tác chuyên môn để lưu giữ món quà vô giá từ người quá cố, chúng tôi không khỏi xúc động. Trong suốt quá trình thu nhận giác mạc, anh Nghĩa luôn dõi theo từng hành động, lặng lẽ nhìn cha lần cuối. Thỉnh thoảng, anh xoa xoa đôi bàn tay, bàn chân của cha như cách để an ủi, xoa dịu những nỗi đau vì căn bệnh lao phổi hoành hành ông thời gian qua.
BS.CK2 Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cho hay ngay khi được thông báo từ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bệnh viện điều phối một xe cứu thương ra sân bay đón đoàn kỹ thuật của Ngân hàng Mô. Cùng lúc này, một bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP HCM đến nhà bệnh nhân để trao đổi, làm việc với thân nhân về những thủ tục, quy định hiến giác mạc.
"Từ đầu năm đến nay, đây là ca hiến giác mạc đầu tiên mà Bệnh viện Mắt TP HCM tham gia hỗ trợ. Việc hiến giác mạc là một điều rất ý nghĩa và nhân văn, kịp thời hỗ trợ nhiều bệnh nhân nhìn thấy ánh sáng" - BS Tuấn thông tin.
Vì sao một cặp giác mạc nhưng lại giúp được 2 người mắc bệnh lý về mắt nhìn thấy ánh sáng? Thống kê tại Việt Nam cho thấy hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã có khoảng 1.000 ca bệnh luôn túc trực chờ đợi, có người đã chờ 5 - 6 năm. Trong giai đoạn 2007 - 2023, cả nước có 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời.
Khi có nguồn giác mạc hiến tặng, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng để xác định phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất, tùy thuộc tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân. Điều này có nghĩa là một giác mạc hiến tặng có thể mang lại cơ hội phục hồi thị lực cho một hoặc 2 người. Mỗi người nhận sẽ được ghép một bên giác mạc, tuy không trọn vẹn nhưng vẫn đủ để giải quyết vấn đề cấp thiết của họ, là khôi phục khả năng nhìn thấy ánh sáng. Việc làm này hoàn toàn phù hợp với tình thế hiện tại, vừa nhân văn vừa giúp nhiều bệnh nhân thấy lại ánh sáng cuộc đời.
Ánh sáng cho đi, cuộc đời ở lại
Với anh Nghĩa, mục đích lựa chọn học y ở tuổi 40 là để chăm sóc cha song chưa kịp trả hiếu thì ông đã mất. Thế nhưng, niềm tin khoác áo blouse của anh không hề vụt tắt, ngược lại càng mãnh liệt hơn.
"Ba mất, con xem làm bất cứ điều gì tốt đẹp nhất thì con làm" - câu nói ấy là ngọn đuốc sáng soi đường cho anh. Không đơn thuần chỉ để thực hiện di nguyện "cho đi là còn mãi" của cha, mà đó còn là lời nhắn nhủ hãy thay ông làm thật nhiều điều tốt đẹp cho đời. "Những ngày đầu sau tang lễ, lòng tôi gần như chìm trong bóng tối, nỗi đau mất mát như muốn nhấn chìm cả tâm trí và cơ thể tôi. Nhưng tôi biết, mình phải gượng dậy vì ba và những người thân xung quanh" - anh Nghĩa xúc động.
Thời điểm này, anh Nghĩa dành toàn bộ thời gian để làm việc tại một bệnh viện ở TP HCM. Anh đã tốt nghiệp chuyên ngành y sĩ y học cổ truyền và đang trong thời gian thực hành để lấy chứng chỉ hành nghề y. Anh kể mỗi lần bước chân vào bệnh viện - nơi những bóng dáng cô chú trạc tuổi cha hiện hữu - lại khiến anh nhớ ông nhiều hơn.
Công việc thực tập ở bệnh viện trở thành liều thuốc xoa dịu nỗi đau. Khi chăm sóc các cô chú, anh cảm giác như đang chăm sóc cha mình, ân cần hỏi han, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ. "Ngày còn sống, ba rất bất ngờ khi con trai có kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe. Ba tự hào về tôi lắm, tôi cũng rất hạnh phúc khi nhận được những lời khen từ ba" - anh bồi hồi.
Ngày cha lâm bệnh, anh Nghĩa và mẹ cùng nhau chăm sóc. Quãng thời gian ấy, anh cứ đi đi về về giữa nhà và bệnh viện. Anh đã chứng kiến nhiều trường hợp đau buồn. Không phải ai cũng có điều kiện đến bệnh viện, nếu đến cũng chưa chắc có đủ kinh phí để điều trị. Rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Những câu chuyện ấy cứ như thước phim không ngừng chạy trong tâm trí, thôi thúc anh trở thành y sĩ, để có thể hỗ trợ và chăm sóc thật nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Bắt đầu công việc mới ở tuổi 40 là điều không dễ dàng, tiền bạc không phải là điều níu giữ chân anh Nghĩa, mà đó chính là cảm giác được chăm sóc, được trò chuyện cùng những bệnh nhân lớn tuổi. May mắn hơn khi anh có một hậu phương rất vững chắc. Trong suốt quá trình học tập và định hướng phát triển tương lai, anh nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ vợ và 3 con.
Anh Nghĩa hy vọng câu chuyện hiến giác mạc của "em bé" U80 có thể lan tỏa, lay động sự sẻ chia của nhiều người. Anh cũng đã đăng ký hiến xác để nghiên cứu khoa học từ vài năm trước. Hiến tặng giác mạc không chỉ là một hành động nhân đạo mà còn là một món quà vô giá, mang lại hy vọng và cơ hội sống mới cho những người đang phải đối mặt bóng tối. Mỗi giác mạc được hiến tặng có thể thay đổi cuộc đời của 2 người, giúp họ nhìn thấy thế giới tươi đẹp xung quanh, tiếp tục học tập, làm việc và tận hưởng cuộc sống. Việc đăng ký hiến tặng giác mạc là một quyết định thể hiện lòng trắc ẩn và sự sẻ chia với cộng đồng.
Nhìn di ảnh cha, anh Nghĩa khấn nguyện: "Con sẽ tiếp tục dùng những kỹ năng được học để mang lại sự ấm áp và yêu thương cho những người xung quanh. Con tin rằng ba luôn ở bên cạnh con, dõi theo từng bước con đi và mỉm cười nơi chín suối".
Cần sự chung tay
Theo các chuyên gia, giác mạc hoàn toàn có thể hiến sau khi người hiến đã chết chứ không chỉ lấy với trường hợp chết não. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. Từ đó, một người hiến giúp mang lại ánh sáng cho 2 trường hợp mù lòa.
Việc lấy giác mạc không bị khống chế về thời gian như lấy tạng và tỉ lệ ghép thành công cũng cao hơn, không đòi hỏi cao về sự tương thích. Khi được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật giác mạc giàu kinh nghiệm, tỉ lệ sống sót sau 10 năm của mảnh ghép là hơn 90% và tuổi thọ trung bình của mảnh ghép khoảng 15 - 20 năm.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-y-thuat-de-giu-tron-dao-hieu-19625042220484301.htm