Được đầu tư mạnh, du lịch Siem Reap Campuchia muốn 'chuyển mình'
Thành phố Siem Reap của Campuchia, nơi có quần thể di tích nổi tiếng Angkor Wat, vừa được cải tạo cơ sở hạ tầng theo một gói hỗ trợ 150 triệu USD của chính phủ. Các quan chức hy vọng sẽ giúp điểm đến này phục hồi lại lượng khách du lịch sau hai năm vắng bóng khách nước ngoài.
Tín hiệu tích cực
Gói cải tạo cơ sở hạ tầng vừa được hoàn thành vào tháng 1 với 38 con đường mới, hai bên là các lối đi bộ bằng phẳng và được phân vạch, kẻ rõ các làn đường dành cho xe đạp được sơn mới. Dự án này nằm trong Quy hoạch tổng thể Siem Reap 2021-2035, nhằm mục đích nâng lượng du khách quốc tế đến thành phố này lên 7,5 triệu người vào năm 2035, tạo ra 940.000 việc làm và tạo ra thêm 6 tỷ USD doanh thu. Kế hoạch này vẫn chưa được công bố đầy đủ, bao gồm việc xây dựng một trung tâm thành phố mới, một sân bay mới, trong số các dự án khác.
Con đường phục hồi kinh tế đang mở ra, nhưng chậm rãi. Sau khi chương trình tiêm chủng phòng Covid-19 trong nước thành công, Campuchia đã bỏ yêu cầu cách ly đối với những du khách được tiêm phòng đầy đủ vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, quy định vẫn yêu cầu du khách phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ và phải có kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh Covid-19 vào lúc vừa hạ cánh. Hiện tại, khi xu hướng mở cửa dần lan rộng, các nhà chức trách đã nới lỏng các quy định hơn nữa. Giờ đây, những du khách có kết quả dương tính với virus corona khi vừa nhập cảnh có thể tự cách ly tại khách sạn.
Số lượng du khách nước ngoài đang dần tăng trở lại ở Campuchia. Sleven, một học sinh người Đức, chia sẻ khi ở Siem Reap vào tháng Hai: "Chúng tôi tìm kiếm các điểm đến không cần cách ly, cả khi đến và đi, đó là Thái Lan hoặc Campuchia. Campuchia có vẻ dễ dàng hơn, với ít xét nghiệm PCR hơn".
Cần đổi mới hình ảnh
Các nhà phân tích coi những động thái nâng cấp gần đây là bước đầu tiên quan trọng để vực dậy ngành du lịch, trước đại dịch chiếm khoảng 20% GDP thực tế của Campuchia. Tuy nhiên, theo họ, việc tân trang lại các con đường sẽ chưa đủ để đảm bảo tương lai của ngành công nghiệp này tại Campuchia.
Nhưng sự không chắc chắn trong thời đại Covid về việc qua lại biên giới quốc tế có thể vẫn còn kéo dài. Các quy định đi lại của mỗi nước đều khác nhau và do đó có thể vẫn hạn chế các du khách muốn đến. Điều này cũng sẽ khiến Campuchia, cùng nhiều nước khác, sẽ còn một chặng đường dài để phục hồi thành một điểm đến theo đúng nghĩa của nó.
Một số chuyên gia cũng cho rằng Campuchia cần xây dựng một thương hiệu du lịch mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào các điểm du lịch truyền thống, lâu nay vốn dựa vào các ngôi đền thế kỷ IX - thế kỷ XV trong Công viên Khảo cổ Angkor và ở mức độ thấp hơn là các địa điểm gắn liền với chế độ diệt chủng Pol Pot.
Ou Virak, giám đốc Diễn đàn Tương lai, một tổ chức tư vấn chính sách công, nói: "Campuchia cần phải kể một câu chuyện mới. Chúng ta cần làm nổi bật không chỉ những gì cổ xưa mà còn cả những gì hiện đại." Virak cũng cho biết ông muốn giúp thành phố phát triển 'sức mạnh mềm' dựa trên các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và tri thức.
Ông nói: "Trong tương lai của kỹ thuật số, trong tương lai của một thế giới di động và kết nối toàn cầu hơn, chúng tôi phải biến Siem Reap trở thành thành phố đáng sống nhất, không chỉ ở Campuchia mà còn trong khu vực" và ông nói thêm rằng đảm bảo tốc độ internet cao tại đây cũng nên được ưu tiên.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Campuchia David Piot cũng cho biết Campuchia cần phải đổi mới thương hiệu để thích ứng với kỷ nguyên cạnh tranh khắc nghiệt hơn.
"Trong nhiều năm qua, Campuchia thường là một điểm đến bổ sung cho các chuyến đi vòng quanh khu vực Đông Nam Á đa quốc gia, với thời gian lưu trú trung bình rất thấp. Trong khi du lịch đa điểm hiện rất khó khăn, Campuchia hiện phải cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia Đông Nam Á khác, cụ thể là những gã khổng lồ về du lịch", ông Piot nói.
"Trong khi du lịch đại chúng thời gian qua đã phải dừng lại, Campuchia có cơ hội để loại bỏ hình ảnh này để tập trung nhiều hơn vào du lịch chất lượng, lợi nhuận cao và dài ngày", David Piot cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Campuchia Chhay Sivlin cho biết, việc chuyển hướng từ các nhóm du lịch lớn sang các nhóm nhỏ hơn hoặc khách lẻ sẽ giúp dịch vụ có chất lượng tốt hơn và cải thiện trải nghiệm của du khách, đặc biệt là khi thưởng ngoạn các ngôi đền Angkor, nơi thường xuyên quá tải du khách trước đại dịch. Tuy nhiên, để khai thác "thị trường khách du lịch tốt hơn" và phát triển các phân khúc như du lịch sinh thái, Campuchia cần có các chuyến bay thẳng từ các tuyến đường dài như châu Âu và châu Mỹ.
Bà Chhay Sivlin nói: "Hiện tại, chúng tôi phụ thuộc vào các quốc gia lân cận để kết nối. Tuy nhiên, điều đó cũng là một bất lợi khiến Campuchia trở nên kém hấp dẫn hơn đối với du khách quốc tế do sự bất tiện ở các quốc gia mà họ phải quá cảnh".
Ngoài ra cũng có nhiều lời kêu gọi thu hút thêm du khách từ các khu vực lân cận. Phát biểu khai mạc Diễn đàn Du lịch ASEAN 2022 tại thành phố ven biển Sihanoukville vào tháng Giêng, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết các quốc gia thành viên nên tập trung vào việc thúc đẩy du lịch trong khối và tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách đã tiêm phòng di chuyển xuyên biên giới.
Trước đại dịch, Campuchia đã ghi nhận 6,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này giảm xuống còn 1,31 triệu người vào năm 2020 và giảm xuống còn 196,495 người vào năm ngoái.