Được tuyên miễn hình phạt không có nghĩa là 'trắng án'

Vì sao nhiều bị cáo vi phạm quy định đấu thầu lại được miễn hình phạt, vì sao nhận tiền 'cảm ơn' nhưng không phạm tội nhận hối lộ?

Vừa qua, trong vụ án kit test Việt Á ở Cà Mau, HĐXX đã tuyên miễn hình phạt cho cả 4/4 bị cáo. Hay trước đó, trong nhiều vụ án vi phạm đấu thầu, các bị cáo cũng được tòa tuyên miễn hình phạt như: cựu giám đốc CDC Tiền Giang Nguyễn Ngọc Chơn và 3 nhân viên (tuyên án sơ thẩm hôm 25-4), cựu giám đốc CDC Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức (tuyên án sơ thẩm ngày 8-5)...

Cũng từ đây, nhiều thắc mắc được đặt ra xoay quanh chế định miễn hình phạt trong pháp luật hình sự ở nước ta.

 Cựu giám đốc và 3 nhân viên CDC Tiền Giang được tuyên miễn hình phạt hôm 25-4. Ảnh: Đông Hà

Cựu giám đốc và 3 nhân viên CDC Tiền Giang được tuyên miễn hình phạt hôm 25-4. Ảnh: Đông Hà

Điều kiện để 1 bị cáo được miễn hình phạt

Khi một người thực hiện một tội phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự dưới các hình thức trách nhiệm hình sự như: hình phạt, biện pháp tư pháp, án tích nhằm đạt được mục đích chủ yếu là cải tạo, giáo dục người phạm tội.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền con người và nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự, nếu có những biện pháp xử lý hình sự mang tính khoan hồng hơn mà vẫn đạt được mục đích của trách nhiệm hình sự thì áp dụng các biện pháp khoan hồng này.

Trên cơ sở đó, khoa học luật hình sự đã xây dựng hệ thống các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự, bao gồm: (1) Miễn trách nhiệm hình sự; (2) Miễn hình phạt; (3) Miễn chấp hành hình phạt; (4) Giảm chấp hành hình phạt; (4) Án treo; (5) Tha tù trước thời hạn có điều kiện; (6) Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và (7) Xóa án tích.

Như vậy, miễn hình phạt chỉ là một biện pháp trong hệ thống các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự của luật hình sự. Có thể hiểu miễn hình phạt là không buộc một người phải chịu hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện.

BLHS 2015 quy định miễn hình phạt đối với người phạm tội tại Điều 59 BLHS và miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại Điều 88 BLHS. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến trường hợp miễn hình phạt đối với người phạm tội.

Theo Điều 59 BLHS 2015, người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thỏa mãn hai điều kiện.

Thứ nhất, người phạm tội thuộc trường hợp: (i) Có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS; (ii) Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Thứ hai, đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Điều kiện này được hiểu là trên cơ sở xem xét các yếu tố như tính nguy hiểm cho xã hội, nhân thân người phạm tội, chính sách pháp luật… cho thấy cần có sự khoan hồng đặc biệt nhưng mức độ giảm nhẹ chưa đến mức để có thể miễn trách nhiệm hình sự.

Về thẩm quyền, hình phạt chỉ do tòa án quyết định nên thẩm quyền miễn hình phạt cũng do tòa án quyết định.

Nội dung miễn hình phạt sẽ bao gồm miễn hình phạt chính và hình phạt bổ sung của tội phạm. Dù vậy, việc miễn hình phạt này sẽ không loại trừ các trách nhiệm pháp lý khác đối với người được miễn hình phạt như: bồi thường thiệt hại; tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, án phí …

Ngoài ra, theo quy định của Đảng và pháp luật, người phạm tội dù được miễn hình phạt cũng sẽ bị xử lý kỷ luật khác.

Chẳng hạn, khoản 3 Điều 78 Luật Cán bộ, Công chức 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.

Khoản 2 Điều 69 BLHS 2015 quy định, người được miễn hình phạt thì không bị coi là có án tích.

Chế định miễn hình phạt được áp dụng trên thực tế ra sao?

Với quy định miễn hình phạt tại BLHS 2015, hãy cùng phân tích việc áp dụng pháp luật trong các vụ án trên thực tế.

Như chúng ta đều biết, một số bị cáo trong các vụ án vi phạm đấu thầu kit test trong thời gian vừa qua có trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 222 BLHS “Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.

Trong số đó, nhiều bị cáo được tòa tuyên miễn hình phạt. Vậy lý do là gì?

Dựa trên các bản án mà tòa đã tuyên, có thể nhận thấy, các bị cáo đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên thỏa điều kiện thứ nhất (nêu trên) để được miễn hình phạt.

Còn về điều kiện thứ hai là “đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”, như đã phân tích ở trên, đây là điều kiện vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng.

Các tình tiết về nhân thân của các bị bị cáo đã được tòa án xem xét. Ở đây, tòa chỉ xem xét thêm về hoàn cảnh phạm tội và lỗi của các bị cáo trong việc thực hiện quy định pháp luật.

Chúng ta cần đặt các bị cáo trong hoàn cảnh tại thời điểm phòng chống dịch Covid-19 lúc đó - khi mà cả hệ thống chính trị đều tập trung phòng chống dịch (lần đầu tiên đối mặt và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm) với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, những vấn đề về tiền bạc được ưu tiên sau.

Đây là tính nhân văn trong xử lý tình huống dịch bệnh của hệ thống chính trị tại thời điểm đó. Trong hoàn cảnh ấy, các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm về đấu thầu như: “tạm ứng trước kit xét nghiệm, sinh hóa phẩm rồi hợp thức hóa thầu sau”, “quyết định đấu thầu rút gọn” … với mục đích ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trên hàng đầu.

Chúng ta nhớ lại thời điểm dịch Covid-19, ai có trách nhiệm trong hoàn cảnh đặc biệt đó cũng đều cố gắng xử lý nhanh nhất để có trang thiết bị phòng chống dịch bệnh – chứ chẳng lẽ, cứ thực hiện đúng quy trình đấu thầu để an toàn pháp lý cho chính mình còn để mặc cho tính mạng, sức khỏe của người dân và sau đó đổ lỗi cho cơ chế?

Hoàn cảnh đặc biệt cần có giải pháp đặc biệt, do đó, nếu áp dụng các quy định đấu thầu trong trường hợp bình thường để đánh giá hành vi của bị cáo khi thực hiện trong trường hợp đặc biệt là không thỏa đáng, phù hợp với thực tế.

Chẳng hạn, bị cáo Nguyễn Thành Danh – cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự (không phải miễn hình phạt) về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX đã đánh giá đến hoàn cảnh đặc biệt khi bị cáo thực hiện hành vi. Theo đó, tòa sơ thẩm nhận định trong bối cảnh dịch bệnh, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Danh đã ở lại cương vị công tác, sát cánh chống dịch. Tòa đánh giá ông Danh có hành vi sai phạm nhưng “dám nghĩ, dám làm”, vì sức khỏe đồng bào, không tư lợi cá nhân, nhiều lần cảnh tỉnh bị cáo cấp dưới.

Có thể thấy, pháp luật hình sự dù rất nghiêm khắc trong xử lý hành vi phạm tội – nhưng cũng đầy tính nhân văn, cho phép người áp dụng pháp luật trong các trường hợp đặc biệt có thể áp dụng các biện pháp xử lý khoan hồng như: miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt … mặc dù hành vi có đủ dấu hiệu của tội phạm. Bởi lẽ, pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật nói chung suy cho cùng là bảo vệ con người, xã hội thông qua người áp dụng pháp luật có lý trí, tình cảm … chứ không phải là những cái máy vô cảm.

Vì sao nhận tiền cảm ơn nhưng không phạm tội nhận hối lộ?

Bên cạnh việc miễn hình phạt, “nhận tiền cảm ơn” cũng là từ khóa được nhiều người nhắc đến thời gian qua. Diễn biến tố tụng nhiều vụ án cho thấy, dù nhận tiền “cảm ơn”, nhiều người không bị tội nhận hối lộ.

Điểm chung là các bị cáo nhận tiền cảm ơn của các nhà thầu như “Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng” nhưng đều không có sự bàn bạc, thỏa thuận trước “để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”

Điều 354 BLHS nước ta quy định về tội nhận hối theo mô hình “hối lộ mua chuộc”, có nghĩa là để xử lý về tội nhận hối lộ thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh có sự thỏa thuận, bàn bạc giữa người nhận hối lộ và đưa hối lộ “nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (do luật định -PV) cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

Việc nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất sau thực hiện xong đấu thầu như các bị cáo tại một số vụ án trong thời gian qua trong khoa học luật hình sự gọi là mô hình “hối lộ tạ ơn” và luật hình sự một số nước có quy định mô hình hối lộ này.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là luật hình sự nước ta chưa có quy định – và do đó, xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc pháp chế nên không thể xử lý các bị cáo này về tội nhận hối lộ, bởi vì “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, các khoản tiền cảm ơn mà các bị cáo nhận sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 47 BLHS).

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/duoc-tuyen-mien-hinh-phat-khong-co-nghia-la-trang-an-post797304.html