'Đuổi ma'- lễ hội lớn của người Phù Lá ở Bắc Hà
Lễ đuổi ma là một trong hai lễ hội cộng đồng lớn nhất trong năm của người Phù Lá ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là một nghi thức dân gian, vừa có tính Lễ - cầu Giàng và thần núi; vừa mang tính Hội, với sự tham gia của mọi thành phần già trẻ, lớn bé trong bản.
Mỗi năm, người Phù Lá ở Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) có hai lễ hội mà toàn bộ cộng đồng trong thôn/bản đều tham gia. Đó là Lễ cúng rừng diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch và Lễ đuổi ma được thực hiện vào ngày 30/2 âm lịch hàng năm.
Đặc biệt, Lễ đuổi ma của người Phù Lá (huyện Bắc Hà) đến nay vẫn còn được duy trì, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng và là nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng truyền thống bà con người dân tộc thiểu số nơi đây.
"Nếu như Lễ cúng rừng là một nghi lễ linh thiêng thì Lễ đuổi ma vừa có tính Lễ là cầu Giàng (còn gọi là vua trời) và thần núi về đuổi con ma rừng lang thang trong bản làng về nơi rừng sâu, không được ở lại làm hại con người, vật nuôi trong bản nũa. Lễ hội này có tính Hội khi mọi thành phần già trẻ lớn bé đều được tham gia ở các vai trò khác nhau, rất vui vẻ", ông Giàng Củi Phà, trưởng thôn Tà Chải, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết.
Ghi nhận của PV tại 1 lần trong năm, Lễ đuổi ma của người Phù Lá ở Bắc Hà (Lào Cai) được thực hiện. Để chuẩn bị cho lễ chém ma, các gia đình sẽ góp tiền để trưởng bản và thầy cúng chuẩn bị các món đồ lễ như rượu, tiền vàng, hương... Đặc biệt, không thể thiếu một con chó và đôi gà lông trắng - lông đỏ, là những con vật được người Phù Lá quan niệm có khả năng đuổi ma.
Đồng thời với việc chuẩn bị đồ lễ chung, các nhà tham gia sẽ chuẩn bị kiếm cho nghi lễ. Kiếm được gọt từ một loại cây mà người Phù Lá ở Bắc Hà nhiều đời nay đều cho rằng nó có tác dụng đuổi tà ma. Kiếm đẽo xong sẽ lấy than củi để vẽ lên rồi nhúng vào máu của con chó mà trưởng bản và thầy cúng đã chuẩn bị.
Trong khi những người đàn ông trong gia đình làm các vật dụng chuẩn bị, những người phụ nữ với các trang phục truyền thống sẽ địu con đứng bên cạnh hỗ trợ.
Thầy cúng sẽ chuẩn bị một mâm cúng hình vuông, trên đó có 3 cốc rượu, 3 que hương và một số lá bùa màu vàng nhạt, một số lá cờ và 1 ô màu đỏ hồng bằng giấy. Sau đó, thầy cúng đốt một lá bùa, lấy tro hòa với rượu vào trong một cái bát con.
Người được cầm kiếm chém ma phải là nam giới (không kể tuổi tác) trong nhà, gia đình nào cử người tham gia thì người đó phải bôi tro than lên mặt cho đen, hàm ý không cho ma nhận ra. Khi công việc chuẩn bị hoàn tất, là lúc nghi lễ bắt đầu.
Những đứa trẻ thường được lựa chọn để bôi tro than và cầm kiếm đuổi ma.
Đoàn đuổi ma, dẫn đầu là ông trưởng bản và thầy cúng, theo sau là các "chiến binh" cầm kiếm tới từng nhà, tới nhà nào, các chiến binh cầm kiếm sẽ lao vào khua khoắng khắp các ngóc ngách trong ngôi nhà để lùa ma ra. Một người cầm dây có buộc 2 con gà kéo khắp ngôi nhà.
Các "chiến binh" cầm kiếm đi chém tất cả các ngóc ngách trong nhà để đuổi con ma ra.
Chủ nhà sau khi thắp hương có thể gia nhập đoàn người lễ, còn thầy cúng sẽ lấy một bát nước trắng rồi tiến hành nghi lễ cúng. Lời khấn của ông hàm ý mời vua trời, thần núi về đuổi con ma đang lang thang trong bản, khấn xong ông cầm bát nước đổ ra trước cửa nhà rồi úp cái bát xuống luôn đó.
Cùng lúc với ông thầy cúng khấn, một người trong đoàn lễ cầm ống tre có chứa máu chó và một cái chổi bện từ rơm để đánh dấu lên cửa. Khi đoàn chém ma hoàn tất lễ cúng, đoàn lễ ra khỏi nhà cũng là lúc cánh cửa nhà được đóng kín lại, không được phép mở ra cho đến lúc Lễ đuổi ma kết thúc tại gia đình đó.
Những người phụ nữ trong bản háo hức mặc những bộ trang phục đẹp nhất tham dự lễ hội. Trang phục của người Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, trang trí nhiều hoa văn, cùng cách bố cục, sử dụng màu sắc giúp chiếc áo khó lẫn lộn với trang phục của các dân tộc khác.
Đoàn người tham gia buổi lễ tiếp tục từ nhà này sang nhà khác. Ai mệt thì nghỉ và người khác thế vào.
Cứ thế cho tới nhà cuối cùng thì đoàn lễ tiến về phía rừng.
Tới rừng, đoàn người sẽ dồn ma vào rừng và cắm toàn bộ các thanh kiếm trước cửa rừng với ý nghĩa làm hàng rào ngăn con ma quay trở lại.
Sau khi hoàn tất việc cúng lễ, con chó và đôi gà được sử dụng để làm cỗ. Cả bản cùng nấu và ăn ở ngoài cửa rừng. Bát đũa và dụng cụ nấu nướng sẽ được các phụ nữ của các gia đình trong bản chuẩn bị, của nhà nào nhà đó mang theo.
Niềm vui khi nghi lễ kết thúc, xua đuổi những điều xui xẻo, không may mắn hiện lên trên nụ cười rạng rỡ của những người phụ nữ dân tộc Phù Lá.
Được biết, sau khi việc ăn uống xong cũng là lúc trời về chiều, bát đũa được từng gia đình mang đi lại được mang về và đặt ngoài sân 3 ngày không rửa để tan hết tà khí. Sau đó, người Phù Lá mới rửa sạch bát đũa và đem vào nhà.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duoi-ma-le-hoi-lon-cua-nguoi-phu-la-o-bac-ha-post179941.html