Nhà văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc qua đời ở tuổi 107
Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người được coi là tượng đài trí thức Việt Nam, đã qua đời tối 2/5 ở tuổi 107. Ông là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa lỗi lạc, là 'cây cầu' kết nối tri thức, văn hóa Việt Nam và quốc tế.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc. (Ảnh tư liệu)
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hà Nội, quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh.
Là người thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, chữ Hán, ông đã miệt mài viết và biên soạn hơn 30 cuốn sách giá trị về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh và chiều sâu văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Ngoài sách, nhà văn hóa Hữu Ngọc còn giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới qua các bài viết trên tạp chí, báo, dịch phẩm… bằng sự uyên bác, nghiêm cẩn và lòng say mê đáng kính.
Năm 2020, ở tuổi 102, ông vẫn tiếp tục làm việc hăng say và ra mắt cuốn sách "Cảo thơm lần giở" gồm 2 cuốn, dày gần 1000 trang.
Bộ sách giới thiệu cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông Tây kim cổ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức học, xã hội học, sử học, tâm lý học, chính trị học... đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại.
Đây không chỉ là một công trình đồ sộ về mặt học thuật, mà còn là thành quả kết tinh của cuộc đời nghiên cứu và “vận chuyển” văn hóa Việt Nam ra thế giới và ngược lại.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài từ tiếng Anh, Pháp sang tiếng Việt, trong đó nổi bật nhất là cuốn sách kinh điển “Truyện cổ Grimm”.
Một số tác phẩm tiêu biểu về văn hóa của ông có thể kể đến là “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Mảnh trời Bắc Âu”, “Văn hóa Thụy Điển”, “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”, “Khám phá văn hóa Việt Nam”.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng đảm nhiệm nhiều vị trí Tổng Biên tập các tờ báo tiếng nước ngoài tờ báo L'Étincelle (Tia sáng) bằng tiếng Pháp, tờ báo đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng là tờ báo địch vận đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, ông còn làm Tổng Biên tập một số tờ báo đối ngoại như “Việt Nam tiến bước” (Anh - Pháp - Esperanto) và “Nghiên cứu Việt Nam” (Anh - Pháp).
Ông cũng từng giữ vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn trong nhiều năm.
Với những đóng góp lớn lao, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập; Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương Bắc đẩu; Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, giải Vàng Sách Việt Nam 2006, giải Đồng Sách Việt Nam 2015, giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam 2017, giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam, giải Nhất toàn quốc 2015 về Thông tin đối ngoại, giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nha-van-hoa-loi-lac-huu-ngoc-qua-doi-o-tuoi-107-post877093.html