'Đường dài' vững chắc cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng Nhật
Tăng kết nối hợp tác, phát triển nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, xác định thị trường rõ ràng và xây dựng chiến lược dựa trên nguồn lực, thế mạnh sẵn có… được xem là 'đường dài' vững chắc cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng Nhật. Nhất là khi các doanh nghiệp Nhật Bản trong 1 - 2 năm tới tiếp tục có xu hướng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đứng ở góc độ của một nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, ông Kazaoka Takao, Phó tổng giám đốc phụ trách khâu thu mua của Aeon Việt Nam, cho biết Việt Nam được nhận định là thị trường trọng yếu trong chiến lược đầu tư và phát triển của tập đoàn Aeon, chỉ sau Nhật Bản. Hơn nữa, quan hệ hợp tác thương mại của Aeon với các nhà cung cấp Việt Nam rất đa dạng về hình thức lẫn cơ hội.
Mở rộng cơ hội hợp tác
Chia sẻ tại chương trình kết nối giao thương đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị Aeon năm 2024 được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 12/12, ông Takao khẳng định phía công ty không ngừng quảng bá sản phẩm Việt Nam không những đến với thị trường tiêu dùng trong nước mà còn đến với thị trường Nhật Bản và các thị trường quốc tế khác.
Trong buổi kết nối giao thương lần này, trưởng các nhóm ngành hàng của Aeon gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và đánh giá các sản phẩm của hơn 150 DN Việt tham gia kết nối. Họ đưa ra một số yêu cầu chính là sản phẩm phải có các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, phải có hồ sơ công bố hợp lệ đáp ứng các yêu cầu khác của Aeon Việt Nam về quy trình sản xuất và điều kiện sử dụng lao động của DN.
Là một DN nhỏ và vừa tham gia vào hoạt động kết nối này, qua trao đổi với VnBusiness, bà Lê Thị Trúc, Phó giám đốc Công ty TNHH Garden Farm (chuyên về chế biến thực phẩm), cho biết những yêu cầu về tiêu chuẩn, chứng chỉ mà phía Aeon đặt ra đã được công ty có những bước chuẩn bị dài hơi từ trước đó và đáp ứng được các yêu cầu này.
“Điều kỳ vọng của chúng tôi trong thời gian tới là đưa được những sản phẩm của nông sản Việt vào chuỗi siêu thị lớn của Aeon. Lẽ đương nhiên, những yêu cầu chính yếu mà bộ phận thu mua của nhà bán lẻ này đưa ra thì công ty phải đáp ứng cho thật tốt và nỗ lực để thiết lập mối quan hệ với họ một cách bền chặt”, bà Trúc nói.
Ngoài triển vọng về việc đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị Nhật nêu trên, các DN Việt cũng nên tìm hiểu thêm về khả năng đầu tư, kinh doanh của các DN Nhật Bản trong thời gian tới tại Việt Nam như thế nào để có sách lược tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.
Đơn cử như trong công bố kết quả khảo sát sơ bộ thực trạng của các DN Nhật Bản tại nước ngoài năm tài chính 2024 được đưa ra vào ngày 12/12, Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM cho biết về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỷ lệ DN Nhật trả lời “Mở rộng” tại Việt Nam là 56,1%, nằm trong top các nước có mong muốn mở rộng kinh doanh khối ASEAN. Và tỷ lệ DN mở rộng “Chức năng bán hàng” do mở rộng nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước là 62,2%.
Cụ thể hơn nữa, tỷ lệ DN Nhật trong ngành chế tạo trả lời sẽ “Mở rộng” là 48,1% (tăng 1,0 điểm so với năm trước), DN trong ngành phi chế tạo là 63,2%. Rồi tỷ lệ DN trong ngành thiết bị điện/điện tử và ngành vận tải trả lời sẽ “Mở rộng” tăng trên 20 điểm so với năm trước.
Theo Jetro, các DN Nhật trong ngành chế tạo và ngành phi chế tạo đều đưa ra lý do mở rộng kinh doanh 1-2 năm tới là do “nhu cầu tại thị trường nội địa mở rộng” và “xuất khẩu tăng”.
Đối với chức năng mở rộng, tương tự năm trước, các DN Nhật trong ngành chế tạo và phi chế tạo đều lựa chọn chức năng “bán hàng” nhiều nhất. Việc mở rộng “sản xuất” trong ngành chế tạo chủ yếu tập trung vào “sản phẩm đa năng” và “sản phẩm có giá trị gia tăng cao”.
Chờ một hành trình dài hơi
Có thể thấy, từ việc các DN Nhật Bản tiếp tục có xu hướng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam chính là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của họ ngay trên thị trường “sân nhà”. Nhất là khi các DN Nhật vẫn có động lực cao trong việc thúc đẩy hoạt động thu mua tại chỗ với chiến lược “địa phương hóa” (tăng yếu tố địa phương trong các sản phẩm) mà họ đang theo đuổi, đồng thời kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thế nhưng, xét về việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM, chia sẻ rằng việc này cần một hành trình dài hơi chứ không thể một sớm một chiều. Bởi lẽ, tỷ lệ thu mua nội địa Việt Nam vẫn còn thấp so với bình quân ASEAN và một số quốc gia lân cận.
Bên cạnh đó, theo ông Matsumoto, các DN Nhật Bản đặt yếu tố an toàn, chất lượng lên hàng đầu và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao. Các DN Việt muốn đáp ứng được các tiêu chuẩn cao thì phải nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực cũng như áp dụng công nghệ cao như tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo (AI).
Đơn cử như trong lĩnh vực bán dẫn, vị trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM lưu ý các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch theo kịp với sự chuyển biến thay đổi về công nghệ, để đào tạo ra những kỹ sư giỏi tay nghề. Hơn nữa, các DN Nhật cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm được kỹ sư có tay nghề cao, chuyên môn cao.
Ngoài ra, nên nhắc thêm việc mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã mời Phó Giáo sư Funabashi Gaku - Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ), đến Việt Nam để nói về chủ đề “Phát triển công nghiệp - Kinh nghiệm từ Nhật Bản và các quốc gia khác”. Vị phó giáo sư này đã lấy ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ Việt Nam làm ví dụ, từ đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm của những DN hàng đầu Nhật Bản để các DN Việt tham khảo.
Phó Giáo sư Funabashi nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định thị trường rõ ràng và xây dựng chiến lược dựa trên các nguồn lực và thế mạnh sẵn có, cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ có liên quan là rất quan trọng cho các DN Việt.
Còn trong hội nghị bàn tròn vào tháng 12/2024 giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH) và UBND Tp.HCM, để tăng kết nối hợp tác chuỗi cung ứng, phía JCCH đã chỉ rõ là cần nhân rộng mô hình thành công của Tổ điều phối viên tại tỉnh Đồng Nai ra các địa phương khác.
Theo đó, Tổ điều phối phiên là đội ngũ cán bộ thực hiện khảo sát nhu cầu giao thương của cộng đồng DN Việt – Nhật, tìm hiểu nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng linh phụ kiện, nguyên vật liệu của DN Nhật Bản và khả năng cung ứng của các DN Việt Nam có năng lực sản xuất cao.
Từ cách thức như vậy, nhất là thúc đẩy kết nối cung cầu, sẽ đưa các DN Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các DN Nhật tại Việt Nam. Qua đó giúp nâng cao năng lực sản xuất của DN nội địa, giúp cho họ tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại và là đối tác tin cậy cho các nhà đầu tư của Nhật Bản.