Đường dành cho xe đạp vắng vẻ, đìu hiu trong ngày đầu thông tuyến
Trong giờ cao điểm sáng, tuyến đường được thiết kế dành riêng cho xe đạp và người đi bộ khá vắng vẻ, số lượng người dân sử dụng tuyến đường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Video người dân luồn lách qua những thanh chắn để sử dụng đường dành cho xe đạp:
Sáng ngày 1/2, tuyến đường dành cho xe đạp đầu tiên tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Theo phương án phân luồng tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hà Nội thì tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung).
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống trong sáng ngày 1/2, mặc dù nằm song song với tuyến đường Láng vô cùng đông đúc và nhộn nhịp nhưng đường dành cho xe đạp và người đi bộ lại rất vắng vẻ, đìu hiu. Trong khoảng thời gian từ 7h - 8h sáng, số lượng người dân sử dụng xe đạp hay đi bộ trên tuyến rất ít, nhiều người đi xe đạp vẫn lựa chọn đi trên tuyến đường Láng như trước thay vì đi vào đường ưu tiên.
Theo anh Bùi Anh Hào (người dân sinh sống trên phố Giáp Nhất, quận Thanh Xuân), tuyến đường ven sông Tô Lịch vẫn được người dân sử dụng vào sáng sớm hay chiều tối muộn để tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,... nhưng còn các khung giờ còn lại thì khá vắng vẻ.
"Mặc dù là đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ nhưng việc tiếp cận tuyến đường lại không dễ dàng khi vị trí nằm giữa các nút giao thông đông đúc, mỗi đầu đường lại có rào chắn nên người đi xe đạp phải dừng xe để vác qua hoặc luồn lách khá bất tiện", anh Hào nói thêm.
Anh Lê Đức Long (sinh viên Đại học Mở Hà Nội), 1 người đi xe đạp hiếm hoi trên tuyến đường ưu tiên vào sáng ngày 1/2 cho biết: "Mặc dù đường rộng rãi, thoáng, di chuyển thuận tiện hơn mọi khi phải đi vào làn đường hỗn hợp nhưng giờ cũng ít người sử dụng xe đạp để đi học, đi làm nên đường vắng cũng dễ hiểu".
Về hiệu quả của tuyến đường dành cho xe đạp và người đi bộ mới được đưa vào hoạt động, Thanh tra Sở giao thông vận tải thành phố Hà Nội cho biết vẫn cần theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Sở nếu có những bất cập…
Hình ảnh ngày đầu đường dành cho xe đạp chính thức đi vào hoạt động:
Để thực hiện phương án tổ chức giao thông cho tuyến đường dành cho xe đạp và người đi bộ dọc sông Tô Lịch, các đơn vị thực hiện bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng, chờ xe buýt; 1 trạm xe đạp tại Ga S8 của Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (tại Ga Láng đã có 1 trạm xe đạp công cộng).
Xe đạp trên tuyến này được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao (nút giao cầu Mọc, nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; nút giao đường Láng - Lê Văn Lương; nút giao cầu 361; nút giao cầu Cót; nút giao cầu Yên Hòa).