Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam: Bước đi táo bạo, đòn bẩy để nền kinh tế Việt Nam vươn tầm

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 13.11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Lạng Sơn.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 sáng nay, 13.11. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 sáng nay, 13.11. Ảnh: Lâm Hiển

Chính sách đặc thù, đặc biệt cần tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt, người lao động Việt tham gia nhiều nhất

Đối với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, qua thảo luận tổ, đa số ĐBQH đều nhất trí sự cần thiết thực hiện dự án quan trọng này.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhận định, đường sắt Việt Nam, từng được ví như “người khổng lồ” trong lĩnh vực vận tải, "đang ngủ quên" giữa thời đại phát triển bùng nổ của hạ tầng giao thông. "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chính là cú hích cần thiết để đánh thức "gã khổng lồ" này, mở ra một chương mới đầy tiềm năng cho ngành vận tải. Đây là bước đi táo bạo, không chỉ thúc đẩy giao thương và kết nối vùng miền, mà còn là đòn bẩy để nền kinh tế Việt Nam vươn tầm, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến", đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện Dự án, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ bài toán khổng lồ về vốn đầu tư đến việc quản lý vận hành phức tạp và chi phí bảo trì khổng lồ.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu

Dự án đòi hỏi một lộ trình chuẩn bị khoa học, tính toán cẩn trọng và sự đồng thuận từ mọi cấp độ. Quyết tâm là có, nhưng để thành công, mỗi bước đi cần thực hiện thận trọng, chắc chắn, vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đảm bảo hiệu quả bền vững trong tương lai.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư lên đến 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Theo các đại biểu, đây là một khoản kinh phí khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng Việt Nam. Con số này vượt xa 114% so với tổng mức vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021–2025. Ngay cả dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành – vốn được xem là dự án trọng điểm, phức tạp nhất quốc gia với tổng vốn 16 tỷ USD – cũng chỉ chiếm khoảng 24% so với số vốn mà dự án đường sắt tốc độ cao yêu cầu.

"Điều này cho thấy quy mô của dự án đường sắt không chỉ lớn mà còn đòi hỏi sự dồn sức từ nhiều nguồn lực chưa từng thấy". Và như vậy, nếu không có chiến lược tài chính tối ưu, việc phân bổ nguồn vốn có thể tạo áp lực nặng nề lên ngân sách quốc gia, dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính. Hơn nữa, con số này cũng có nghĩa là dự án có thể gây tác động dài hạn lên nợ công, thậm chí đẩy mức bội chi lên cao trong một số giai đoạn.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn phải ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác như y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội, việc bố trí nguồn lực cho một dự án đồ sộ như đường sắt tốc độ cao sẽ đòi hỏi sự đánh đổi và sắp xếp lại nhiều hạng mục đầu tư quan trọng khác.

Đồng thời, dự án không chỉ là vấn đề xây dựng hạ tầng mà còn kéo theo chi phí vận hành và bảo trì lâu dài. Dự kiến mỗi năm sau khi đi vào hoạt động, chi phí bảo trì sẽ vượt mức 1 tỷ USD (tương đương hơn 25.000 tỷ đồng). Điều này đặt ra bài toán về nguồn vốn và phương thức tài chính bền vững để duy trì hệ thống vận hành an toàn, hiệu quả sau khi hoàn thành.

"Mỗi quyết định liên quan đến dự án này cần được tính toán một cách cẩn trọng, bảo đảm sự đồng thuận từ nhiều phía và phù hợp với sức chịu đựng tài chính quốc gia. Đầu tư lớn có thể mang lại lợi ích vượt bậc, nhưng nếu không có một kế hoạch phân kỳ đầu tư chặt chẽ và khả thi, cùng với phương án thu hồi vốn minh bạch, hiệu quả, thì nguy cơ lãng phí nguồn lực và gia tăng nợ công sẽ rất cao", đại biểu Nguyễn Như So lưu ý, đồng thời đề nghị thời gian hoàn vốn và tiến độ hoàn thành Dự án cũng cần phải tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Trong đó, Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân dẫn tới những hạn chế ở các dự án trước, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để tránh tình trạng tương tự. Chỉ khi đảm bảo được tính toán chi tiết và sự sẵn sàng cao, dự án mới có thể tiến hành một cách bền vững, tránh những rủi ro về kéo dài thời gian và đội vốn vốn đã thành “điểm nóng” của nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu

Chính phủ cũng đề xuất 19 chính sách cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai Dự án. ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) tán thành với việc phải có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để tránh gặp phải những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nguồn vật liệu xây dựng... như trong quá trình thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia trước đây.

Để có thêm cơ sở thực tiễn khi Quốc hội xem xét, quyết định các cơ chế chế, chính sách, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết số 60/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1; Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ…

"Chính sách đặc thù phải làm sao để doanh nghiệp Việt, người lao động Việt được tham gia nhiều nhất trong quá trình xây dựng, vận hành Dự án này", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tránh việc lợi dụng chính sách, phát triển nhà ở tràn lan, thiếu kiểm soát

Đối với dự thảo Nghị quyết về Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 13 cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành như Tờ trình của Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết sẽ thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện cơ chế thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại; tháo gỡ vướng mắc của Luật Đất đai, tạo cơ sở pháp lý trong thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (ngoài đất ở) thực hiện thực hiện dự án nhà ở thương mại; tạo nguồn cung nhà ở, phát triển thị trường bất động sản và đáp ứng nhu cầu về nhà ở thương mại của người dân, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lưu ý, Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nêu đầy đủ các loại đất đang có quyền sử dụng đất (theo tên gọi của Nghị quyết) và vướng mắc trong thỏa thuận để sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại. Do đó, đại biểu đề nghị cần báo cáo cụ thể, thuyết phục hơn về sự cần thiết thí điểm chính sách và khẳng định chỉ thực hiện nội dung chính sách thí điểm là mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà luật chưa điều chỉnh.

Tại Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng thí điểm là trên phạm vi toàn quốc.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, nhà ở là nhu cầu bức thiết của công dân, việc đa dạng hóa nguồn cung nhà ở của thị trường thông qua việc thu hút nguồn lực xã hội và sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có là việc làm cần thiết, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh lãng phí, tiêu cực.

"Tuy nhiên, vấn đề nhà ở (hay sử dụng các loại đất để thực hiện nhà ở thương mại) cũng là vấn đề có tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế". Do đó, cần đánh giá kỹ, thu hẹp phạm vi áp dụng chính sách thí điểm, chỉ thực hiện thí điểm chính sách tại một số tỉnh, thành phố có nhu cầu cao về nhà ở thương mại và là những địa phương có năng lực quản lý đất đai, nhà ở tốt để triển khai thí điểm.

"Việc quyết định phạm vi thực hiện thí điểm cần phải dựa trên đánh giá thực trạng nhu cầu nhà ở thương mại của người dân trên cả nước để bảo đảm chính sách thí điểm phù hợp, khả thi, hiệu quả, tránh việc lợi dụng chính sách, phát triển nhà ở tràn lan, thiếu kiểm soát, tạo ra làn sóng phát triển nóng dự án nhà ở thương mại, mất cân đối cung - cầu nhà ở hoặc dẫn đến tình trạng mua gom, đầu cơ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc để chuyển đổi mục đích sử dụng đất", đại biểu nêu rõ.

Tại khoản 1 Điều 2 quy định các loại đất áp dụng của dự án thí điểm, trong đó đối với nhóm đất nông nghiệp là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Đại biểu đề nghị cần quan tâm, có quy định rõ điều kiện chuyển đổi để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện và kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm không làm ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề an ninh, an toàn xã hội, đồng thời phù hợp với Luật Lâm nghiệp; việc sử dụng diện tích đất trồng lúa cần tuân thủ các chỉ tiêu về đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định để bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất và thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện dự án thí điểm theo thỏa thuận; bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức khi tổ chức kinh doanh bất động sản thông tin không đúng về dự án để ép giá thỏa thuận, lừa dối để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thanh toán, thanh toán không đủ theo thỏa thuận ... trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án thí điểm này.

"Đây là dự án thí điểm, đồng thời cũng thực hiện các quy định mới của Luật Đất đai nên có thể dẫn đến việc một số quy định trên thực tiễn gặp vướng mắc, cần hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc". Do vậy, bên cạnh nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết nêu tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị rà soát, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết, ví dụ như điều kiện, trình tự, thủ tục UBND cấp tỉnh chấp thuận cho phép tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/duong-sat-toc-do-cao-truc-bac-nam-buoc-di-tao-bao-don-bay-de-nen-kinh-te-viet-nam-vuon-tam-post396226.html