Duy trì lãi suất ổn định hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 315 yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các TCTD, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Thực tế trong thời gian qua, lãi suất cho vay vẫn trong xu hướng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng.
Lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2025 diễn ra vào cuối tuần trước, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,44%/năm so với năm 2023. Theo Phó Thống đốc, đây là bước đi thể hiện sự chủ động của NHNN, phù hợp với diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát.
Ở góc độ ngân hàng, Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, trong bối cảnh áp lực thanh khoản rất lớn từ thị trường, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, Agribank đã điều hành tài sản/nợ phải trả linh hoạt, chủ động, tập trung vào việc cơ cấu, đa dạng hóa nguồn vốn, đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi CASA, tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi USD…
Trong thời gian vừa qua, có thời điểm Agribank điều chỉnh tăng lãi suất niêm yết kỳ hạn ngắn nhưng lãi suất huy động vốn bình quân của Agribank 11 tháng đầu năm 2024 vẫn giảm 1,3%/năm so với đầu năm do đã thực hiện cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn kỳ hạn ngắn hạn như nêu trên. Không chỉ giảm chi phí đầu vào, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí khác: tập trung thu hồi nợ xấu, khai thác và quản lý tài sản hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát chặt chẽ chi phí thường xuyên… để dành nguồn lực, điều kiện tối đa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Với những giải pháp đồng bộ trên, từ đầu năm đến nay, Agribank đã 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,0-2,5%/năm - mức giảm cao hơn so với giảm mặt bằng lãi suất huy động. Tính đến 30/11, lãi suất cho vay bình quân của Agribank đã giảm khoảng 1,5%/năm so với đầu năm - giảm sâu hơn so với tốc độ giảm bình quân toàn hệ thống ngân hàng (0,96%/năm). Hiện nay, sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank chỉ từ 5,0%/năm đối với ngắn hạn và từ 7,0%/năm đối với trung - dài hạn.
Không chỉ khối NHTM Nhà nước, các NHTMCP cũng rất tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thành Long cho biết, đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay của ngân hàng này đã giảm 2,76% so với cuối năm 2022 và giảm 1,14% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay mới bình quân hiện nay tại ACB ở mức 6,62%.
Để đạt được kết quả trên, ACB nỗ lực thực hiện tiết giảm chi phí đầu vào, bao gồm giảm lãi suất huy động bình quân và cân đối phù hợp dòng tiền giữa nhu cầu nguồn, sử dụng nguồn nhằm tối ưu hóa chi phí vốn. Bên cạnh đó, ACB cũng tập trung tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cho khách hàng.
Mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ổn định
Trong thời gian gần đây, lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng cũng gây ra một số lo ngại rằng điều này có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng chỉ mang tính chất tạm thời và chủ yếu do yếu tố mùa vụ.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) nhận định, lãi suất huy động tăng nhẹ vào cuối năm 2024 do nhu cầu bổ sung vốn của các ngân hàng để giải ngân các khoản vay trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Những khoản vay này chủ yếu phục vụ sản xuất hàng Tết, xuất nhập khẩu và dự trữ hàng hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu chi tiêu dịp Tết từ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Dù vậy, giá vốn bình quân trong cả năm của các ngân hàng sẽ được cân đối dựa trên toàn bộ nguồn vốn huy động từ đầu năm. Việc tăng lãi suất huy động vào cuối quý IV chủ yếu ảnh hưởng đến chi phí vốn ngắn hạn, không làm tăng đột biến giá vốn bình quân cả năm. Vì vậy, các ngân hàng vẫn có thể duy trì lãi suất cho vay ổn định hoặc thậm chí giảm nhẹ, nhờ vào việc bình quân hóa các nguồn vốn huy động. Đây là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần động lực phục hồi mạnh mẽ.
Về xu hướng tăng lãi suất huy động, giới phân tích dự báo sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng quốc doanh có thể duy trì lãi suất huy động ổn định nhằm hỗ trợ nền kinh tế, các NHTMCP tư nhân có thể tăng nhẹ lãi suất huy động để tăng cường huy động vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là đối với những ngân hàng có nguồn vốn phụ thuộc cao vào tiền gửi của khách hàng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, không có kênh đầu tư hay dòng vốn nào đủ mạnh để tạo ra áp lực cạnh tranh lớn lên tiền gửi tiết kiệm. Do đó, lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới, không có biến động lớn.
Chia sẻ góc nhìn trên, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, mặc dù chịu áp lực từ lãi suất huy động, các ngân hàng vẫn có cơ sở để duy trì hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay nhờ vào chính sách điều hành của NHNN thông qua các công cụ như tái cấp vốn và ổn định lãi suất điều hành, qua đó giúp giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Sự ổn định của giá vốn bình quân giúp các ngân hàng duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý. Mặt khác, với chiến lược duy trì thị phần, các ngân hàng, nhất là ngân hàng lớn, tiềm lực tài chính vững mạnh, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng, giữ vững thị phần và đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
Chung quan điểm, Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, lãi suất cho vay sẽ duy trì ổn định ở mức thấp trong giai đoạn cuối năm 2024 và cả năm 2025, phù hợp với định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Dù lãi suất huy động có tăng nhẹ nhưng với sự dồi dào của room tín dụng trong thời gian qua, sự cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng sẽ giúp lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp. Trong ngắn hạn, việc các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu được hưởng các chương trình ưu đãi về lãi suất dẫn đến khả năng lãi suất cho vay vẫn có thể giảm nhẹ.
Song từ diễn biến thực tế, giới chuyên môn đánh giá, dư địa giảm lãi suất hiện nay không còn nhiều vì mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp. Việc giảm lãi suất tiếp theo có thể gây áp lực lên tỷ giá. Do đó, giữ mức lãi suất hiện tại đã được xem là một thành công.