Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vaccine đạt hơn 90%

Tại Hội thảo triển khai công tác tiêm chủng mở rộng năm 2025 được tổ chức tại thành phố Huế ngày 21/4, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đề nghị các địa phương cần triển khai các giải pháp để duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vaccine đạt từ 90% trở lên.

Hội thảo triển khai công tác tiêm chủng mở rộng năm 2025 diễn ra tại thành phố Huế.

Hội thảo triển khai công tác tiêm chủng mở rộng năm 2025 diễn ra tại thành phố Huế.

Chỉ tiêu tiêm chủng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em dưới một tuổi (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Hib, bại liệt uống, sởi) đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ tiêm vaccine uốn ván-bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi, vaccine phế cầu tại vùng triển khai đạt hơn 90%, riêng vaccine sởi-rubella đặt ra mục tiêu tiêm đạt tỷ lệ từ 95% trở lên.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng đặt ra chỉ tiêu giám sát các bệnh đó là: Không có virus bại liệt hoang dại, 100% số huyện trong cả nước đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đề nghị các địa phương duy trì triển khai tiêm chủng thường xuyên và đạt tiến độ tiêm chủng; rà soát các đối tượng, lập kế hoạch thực hiện tiêm bù, tiêm vét để đạt mục tiêu của năm 2024, lưu ý các khu công nghiệp, thành thị và vùng khó tiếp cận.

Tiếp tục triển khai vaccine Td (phòng uốn ván-bạch hầu) cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc; triển khai vaccine Rota ở vùng được Bộ Y tế phê duyệt… Đồng thời, triển khai rà soát tiền sử và tiêm chủng cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học.

Giám sát tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em Long Biên (Hà Nội).

Giám sát tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em Long Biên (Hà Nội).

Đáng chú ý, trong thời gian tới sẽ có những thay đổi về đơn vị hành chính các tuyến tỉnh, huyện, xã, nên các địa phương cần duy trì công tác tiêm chủng thường xuyên cũng như các chiến dịch…

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, hệ thống tiêm chủng có tính đặc thù, cần giám sát nghiêm ngặt từ sản xuất, phân phối đến sử dụng vaccine. Dù có thay đổi mô hình tổ chức, các địa phương vẫn phải bảo đảm dây chuyền lạnh và tiến độ triển khai tiêm chủng theo lịch.

Năm 2024, cả nước có hơn 1,25 triệu trẻ dưới một tuổi được tiêm đầy đủ các loại vaccine, đạt tỷ lệ 96,3%, vượt kế hoạch đề ra (từ 90%).

Tuy nhiên, tiến độ tiêm một số loại vaccine vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ và trẻ trên một tuổi. Ở nhóm trẻ dưới một tuổi, các mũi vaccine viêm gan B sơ sinh, bại liệt uống và bại liệt tiêm có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu. Với nhóm trẻ trên một tuổi, vaccine DPT4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiến độ tiêm chủng thường xuyên đạt 78,6%...

Với vaccine ngừa tiêu chảy do virus Rota, được triển khai từ tháng 12/2024 tại một số địa phương, đến nay, đã có hơn 156 nghìn liều được sử dụng, không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng, chỉ có một số phản ứng nhẹ như nôn, sốt nhẹ, tiêu chảy. Vaccine này sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2025 và dự kiến năm 2026 sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Trong năm 2025 và 2026 sẽ có thêm 1-2 vaccine được đưa vào lịch tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ.

MINH HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duy-tri-ty-le-tiem-chung-day-du-cac-vaccine-dat-hon-90-post874093.html