E-magazine Cồng chiêng: Điểm nhấn của du lịch Pleiku
Cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của các buôn làng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và phố núi Pleiku nói riêng. Trong xu thế hội nhập hiện nay, tiếng cồng, tiếng chiêng không còn gói gọn trong từng nếp nhà, mỗi buôn làng mà đã lan tỏa đến từng góc phố, thậm chí vươn ra thế giới. Những giai điệu cồng chiêng cùng nhịp xoang uyển chuyển như sợi dây gắn kết giữa các nghệ nhân với du khách trong và ngoài nước cùng những trải nghiệm khó quên khi đến với Pleiku.
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, may mắn được kế thừa di sản văn hóa cồng chiêng của ông cha nên mỗi lần tham gia biểu diễn ở bất kỳ nơi nào, anh Brưn (37 tuổi, làng Kép, phường Đống Đa) cũng “cháy” hết mình để phục vụ người dân và du khách. Đặc biệt, được biểu diễn giữa không gian thoáng đãng của Quảng trường Đại Đoàn Kết, trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân và du khách, những “nghệ nhân chân đất” như Brưn trở nên thăng hoa, bay bổng.
Dù đã hơn 5 tháng trôi qua nhưng anh Siu Thưm (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ) vẫn chưa hết xúc động và tự hào khi nhớ lại lần đầu tiên được “xuất ngoại” biểu diễn cồng chiêng.
Tháng 9-2023, tại Hàn Quốc, chị Ga Hyun Kim lần đầu tiên được trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ấn tượng khó quên đó thôi thúc chị nhất định một lần đến Gia Lai để được thưởng thức trọn vẹn âm vang cồng chiêng.
“Không chỉ riêng bản thân tôi mà rất nhiều người dân Hàn Quốc đều rất thích thú, mong muốn được trải nghiệm loại nhạc cụ độc đáo và tuyệt vời này ngay trên chính quê hương của nó. Vì vậy, trong chuyến công tác đến Gia Lai lần này, tôi đã nhờ bạn bè đưa đi khám phá những nét văn hóa đặc trưng và thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên tại các ngôi làng đồng bào trong lòng TP. Pleiku. Tôi cảm thấy cồng chiêng thật sự rất thú vị”-chị Ga Hyun Kim vui vẻ nói.
Còn anh Nguyễn Tiến Thành-du khách đến từ TP. Nha Trang thì nhận xét: “Âm vang bài chiêng “Mừng lúa mới”, “Mừng chiến thắng”… và hình ảnh khỏe khoắn, duyên dáng của các chàng trai, cô gái Jrai, Bahnar biểu diễn đã tạo cho tôi tâm lý vui tươi, phấn khởi, giải tỏa được những áp lực của cuộc sống. Đây là nét văn hóa đặc sắc, nếu được bảo tồn và phát huy tốt sẽ tạo thêm sức hút mãnh liệt cho vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa và du lịch như Pleiku”.
Dù đã 74 tuổi nhưng nghệ nhân Ksor Kol (làng Kép, phường Đống Đa) vẫn miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Cứ vào mỗi tối cuối tuần, tất cả thanh-thiếu niên đều tập trung về nhà ông để học những bài chiêng truyền thống.
Vừa qua, UBND TP. Pleiku tặng cho làng 1 bộ cồng chiêng trị giá 50 triệu đồng. Đây là động lực để dân làng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, góp phần quảng bá, phát triển du lịch của thành phố”.
Đặc biệt, làng Kép còn có một đội cồng chiêng nữ với 20 thành viên ở các độ tuổi khác nhau. 2 năm nay, vào tối thứ bảy hàng tuần, chị em trong làng lại tụ họp tại nhà bà H'Chaih để học đánh chiêng do các nghệ nhân trong làng truyền dạy. Bà H'Chaih cho biết: Bà đã nhuần nhuyễn các điệu xoang. Tuy nhiên, bà vẫn ao ước được học đánh cồng chiêng như các anh trai mình.
Còn em Ksor Khiêm (8 tuổi, làng Kép) thì vui vẻ nói: “Ông bà, cha mẹ cháu đều biết đánh cồng chiêng nên cháu cũng theo học từ nhỏ. Cháu sẽ cố gắng học thêm nhiều bài chiêng để tham gia biểu diễn cho nhiều người biết về văn hóa của dân tộc mình”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố-cho hay: Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được TP. Pleiku đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu như trước đây, toàn thành phố có chưa tới 10 đội cồng chiêng thì hiện nay đã phát triển lên trên 30 đội.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cong-chieng-diem-nhan-cua-du-lich-pleiku-post269519.html