ECB gây áp lực với các ngân hàng châu Âu chưa muốn rút khỏi Nga
Một số ngân hàng nước ngoài đã rời Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi các ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đẩy nhanh tốc độ rút khỏi thị trường Nga do rủi ro gia tăng khi kinh doanh tại quốc gia đang bị trừng phạt này, tờ Financial Times hôm 19/3 dẫn phát biểu của giám sát viên ngân hàng hàng đầu Claudia Buch.
Bà Buch - người đảm nhận vị trí Chủ tịch cơ quan giám sát của ECB vào tháng 1/2024, cho biết, nhóm của bà tiếp tục gây áp lực đối với các ngân hàng châu Âu đang hoạt động tại Nga để sớm rời khỏi nước này.
Một số ngân hàng nước ngoài đã rút khỏi thị trường Nga trong hai năm qua do các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, một số ngân hàng Eurozone vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga. Các ngân hàng này bao gồm Raiffeisenbank và UniCredit Bank, là các công ty con của tập đoàn tài chính Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo và UniCredit của Italia.
Hai ngân hàng Raiffeisen Bank International và UniCredit đều đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga khi cho phép thanh toán bằng đồng euro. Cả hai ngân hàng này cũng là những thực thể nước ngoài duy nhất nằm trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của Ngân hàng Trung ương Nga.
Bên cạnh đó, ngân hàng ING (Hà Lan), Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, ngân hàng OTP (Hungary), Intesa SanPaolo (Italia) và SEB của Thụy Điển vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga.
Theo bà Buch, các ngân hàng khu vực Eurozone đã cắt giảm khoảng 50% hoạt động của họ tại Nga kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine. Bà nói thêm rằng ECB kỳ vọng những ngân hàng vẫn hiện diện tại Moscow sớm công bố kế hoạch cụ thể về việc thu hẹp hoạt động cũng như chiến lược rút khỏi thị trường Nga.
Quan chức ECB khẳng định hoạt động thoái vốn tại Nga sẽ “rất thận trọng” trước rủi ro “danh tiếng” đối với các ngân hàng đang hoạt động tại một quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
“Vẫn còn những vấn đề liên quan đến khả năng kiểm soát và quản lý rủi ro trong môi trường khó khăn như vậy” - bà Buch nói thêm.
Tập đoàn RBI, công ty sở hữu Raiffeisenbank, đã phản đối các yêu cầu từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc đẩy nhanh tiến độ rút khỏi thị trường Nga. Ngân hàng Raiffeisenbank vào tháng 3 năm ngoái đã công bố kế hoạch để tách hoạt động kinh doanh ở Nga vào tháng 9/2023 do sức ép gia tăng từ các nước phương Tây.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2023, người đứng đầu RBI Johann Strobl thông báo tập đoàn hoãn quá trình này đến cuối năm 2023. Vào tháng 9/2023, RBI đã nộp đơn đăng ký logo mới tại Nga, cho biết họ muốn mở rộng khả năng của nhãn hiệu.
Trong khi đó, đầu tháng này, Mỹ cảnh báo gã khổng lồ ngân hàng của Áo rằng họ có nguy cơ “bị cắt khỏi hệ thống tài chính Mỹ” nếu bị phát hiện đã giúp tài trợ cho quân đội Nga, Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Trước đó, hôm 9/3 vừa qua, trang tin Euobserver đưa tin Raiffeisenbank đã xác nhận các cuộc thảo luận với Mỹ về các biện pháp trừng phạt do hoạt động kinh doanh ở Nga.
Raiffeisenbank không cung cấp thêm thông tin chi tiết và nói rằng theo nguyên tắc, họ sẽ không bình luận công khai các cuộc thảo luận với đại diện chính quyền.
Theo Euobserver, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cũng đã thông báo cho các ngân hàng Đức về cảnh báo trừng phạt mới khi tiếp tục thực hiện dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp cho phần lớn các công ty Đức hoạt động ở Nga.
Khi được hỏi liệu có lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không, ngân hàng Đức Commerzbank khẳng định, việc tuân thủ các lệnh cấm vận là điều quan trọng nhất và đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro bị trừng phạt.
Trong khi đó, ngân hàng ING của Hà Lan cho biết, các quy định siết chặt mới của Mỹ đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể bị xử phạt hoặc bị chặn vào hệ thống thanh toán bằng USD trong một khoảng thời gian nhất định nếu ngân hàng đó tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quan trọng có lợi cho quân đội Nga.
Tuy nhiên, ngân hàng Hà Lan không thấy có bất kỳ rủi ro nào vì tuyên bố tuân thủ tất cả các luật trừng phạt quốc tế bao gồm của Liên hợp quốc, EU và Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài trực thuộc Bộ tài chính Mỹ (OFAC).