Eco Handicraft và hành trình tìm lại chỗ đứng cho đồ thủ công

Trước làn sóng xâm lăng ồ ạt của hàng công nghiệp bằng nhựa, tưởng rằng hồi cáo chung của đồ thủ công đã điểm. Nhưng không. Vẫn luôn có những người thiết tha với đồ thủ công truyền thống, luôn nỗ lực từng ngày để tìm lại chỗ đứng cho mặt hàng này. Thương hiệu Eco Handicraft và đội ngũ nhân sự của mình là một ví dụ.

Khôi phục vốn cổ

Anh Long Triệu, chủ cơ sở sản xuất đồ trang trí thủ công ở làng nghề Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), đồng thời là người sáng lập thương hiệu Eco Handicraft, cho biết: bột giấy là một nguyên liệu thủ công truyền thống của Việt Nam, thường được sử dụng để làm các sản phẩm mặt nạ dân gian dịp Trung thu như mặt tễu, đầu lân... "Ở Eco Handicraft, chúng tôi đã đưa vào những tạo hình đa dạng hơn, không chỉ giới hạn ở đồ chơi cho trẻ em, mà mở rộng thêm ra với những món đồ trang trí nội ngoại thất, đảm bảo đồng thời hai tiêu chí, tính công năng và thẩm mỹ", anh Long Triệu cho biết.

Một góc xưởng của Eco Handicraft.

Một góc xưởng của Eco Handicraft.

Về quy trình sản xuất để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, anh Long Triệu chia sẻ, từ khâu đầu tới khâu cuối cần khá nhiều thời gian, công đoạn: "Đầu tiên là xử lý giấy. Chúng tôi tận dụng nguồn lõi giấy của các cuộn chỉ từ xưởng may gia công trong làng. Giấy thu về thì ngâm cho bở, rồi vắt cho kiệt nước, rồi bỏ vào máy xay thành bột, công đoạn này mất chừng một ngày. Tiếp theo là trộn keo sữa vào bột giấy để thành một hỗn hợp nhuyễn, rồi bắt đầu bồi lên khung (khung tác phẩm, tạo bằng nan tre và dây đay). Tất cả nguyên liệu đều là chất liệu thân thiện với môi trường, vì đều là gốc tự nhiên, và quan trọng nhất là nguyên liệu tái chế, không phải khai thác trực tiếp từ thiên nhiên".

Khi đã bồi xong thì tiến hành hong sấy. Không phải đem phơi nắng như các cụ ngày trước, mà là hong sấy trong lò, sản phẩm sẽ khô bằng nhiệt, khô đều các phía do nguồn nhiệt được bố trí đủ bốn phía của lò. Quá trình hong sấy này, tùy vào độ to nhỏ dày mỏng của từng sản phẩm mà mất thêm chừng vài ngày đến vài tuần.

Cũng theo chia sẻ của anh Long Triệu, sản phẩm hoàn thiện thường là mộc, tức là chúng có màu nâu đậm hơi bóng. Tùy vào sở thích của mỗi khách hàng mà họ sẽ mua mộc như thế hay yêu cầu lên màu. Cũng có những khách hàng mua mộc rồi về tự tô màu cho sản phẩm, như một cách ghi dấu ấn cá nhân.

Vẻ đẹp của thủ công

Như người sáng lập thương hiệu Eco Handicraft đã chia sẻ, từ vốn cổ là kỹ thuật bồi giấy, anh đã đưa vào những tạo hình hiện đại, những vật dụng góp phần làm đẹp không gian sống của gia chủ. Hãy cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này:

Đèn tổ ong, đèn tổ chim: Đèn trang trí thủ công khá linh hoạt trong phối cảnh kiến trúc. Với không gian truyền thống, chúng sẽ tạo nên một tổng thể hài hòa, nhất quán; với không gian hiện đại, chúng trở thành điểm nhấn quyến rũ. Hãy nhìn vệt sáng trên bức tường. Đó không chỉ đơn giản hiệu ứng tương phản sáng - tối, mà là tính nghệ thuật trong một sản phẩm trang trí nội thất. Vệt sáng lửng lơ như từ đâu đó rọi tới, mang lại cảm giác thanh nhã, thư giãn cho không gian.

Đèn tổ chim. Chất liệu bột giấy, sợi đay.

Đèn tổ ong. Chất liệu bột giấy.

Đèn cá - một liên tưởng tới đại dương bao la và thiên nhiên kì diệu: Các bậc phụ huynh có thể trang trí phòng ngủ, khu vui chơi cho con cái mình bằng những chú cá xinh đẹp tươi vui này. Những chú cá nhiều màu sắc cũng sẽ khiến lớp học của các bé mầm non trở nên sinh động hơn.

Thay vì đồ nhựa sản xuất công nghiệp, người lớn có thể cân nhắc chuyển sang sử dụng những món đồ trang trí với chất liệu thân thiện với môi trường, an toàn trong sử dụng.

Đèn cá chép. Giấy bồi nan tre.

Đầu lân: Là một trong những món đồ chơi dân gian truyền thống của Việt Nam. Chúng gắn liền với lễ hội Trung thu, nhưng tạo hình vừa dân gian vừa kinh viện của chúng đủ khiến chúng xứng đáng được chọn như là một món đồ trang trí thú vị. Trong hình là tác phẩm được hoàn thiện bởi shop thời trang Nhã Anh, với bảng màu mang đậm dấu ấn cá nhân của chủ shop.

Đầu lân. Chất liệu bột giấy bồi nan tre.

Những món đồ trang trí khác: các con giáp, chó đá, bí, lưỡng long.

Chó đá.

Con chó. Chất liệu bột giấy bồi nan tre.

Con gà. Chất liệu bột giấy bồi nan tre.

Con chuột. Bột giấy bồi nan tre.

Niềm tin vào cái đẹp

Trước câu hỏi rằng Eco Handicraft sẽ có những bước đi nào trong tương lai nhằm lan tỏa tình yêu và sự quan tâm của công chúng với mặt hàng thủ công này? Anh Long Triệu cho biết: "Eco Handicraft là thương hiệu tôi mới tạo ra gần đây thôi còn việc sản xuất thì tôi bắt đầu từ rất lâu trước đó rồi, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật Việt Nam. Tôi là dân làng nghề truyền thống Triều Khúc, từ nhỏ đã tiếp xúc và trực tiếp tạo tác các sản phẩm nên tôi hiểu cái đẹp của đồ thủ công, đó là cái đẹp chứa đựng tình cảm, thứ mà đồ công nghiệp hiện đại không thể có được.

Chính vì những ưu điểm đó mà tôi muốn giới thiệu rộng rãi tới công chúng, nên bên cạnh các hoạt động kinh doanh, tôi đã tham gia hướng dẫn trong các workshop tại các trung tâm mỹ thuật cho trẻ em, các trường tiểu học như Dolphin, Nguyễn Hoàng, Maya School, và liên kết giảng dạy hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật tại Doanh nghiệp Xã hội Kym Việt trong nhiều năm.

Tại đây, các em sẽ được học cách làm các món đồ chơi từ đơn giản tới phức tạp. Tất cả những hoạt động mang tính cộng đồng đó cũng đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì và quảng bá mặt hàng này. Với tôi, những điều ấy, cho tới thời điểm này cũng là một thành công đáng để tự hào, và nhất là, nó là một động lực đáng kể cho chúng tôi trên con đường giành lại vị trí của đồ thủ công truyền thống trên thị trường hiện nay".

Nhà sáng lập thương hiệu Eco Handicraft bộc bạch thêm: "Đôi khi tôi được hỏi rằng, liệu đồ thủ công có thua trong cuộc chiến với đồ chơi công nghiệp hiện đại không, khi mà người ta thường chọn mua cho con cái mình những món đồ nhấp nháy có kèm nhạc, hay những món đồ chơi rùng rợn khác vào mỗi dịp Trung thu, Halloween. Câu trả lời của tôi luôn luôn là không. Có một điều chúng ta cần hiểu là, xã hội vận hành theo cái guồng phát triển chung của thế giới, của thời đại, tôi không có tham vọng đồ thủ công sẽ thế chỗ đồ công nghiệp, vì mỗi loại sản phẩm đều có những mặt mạnh riêng. Nhưng tôi, cũng như các cộng sự của mình luôn có niềm tin vào con đường mà chúng tôi đã chọn, và vì thế chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đồ thủ công có một vị trí không thể thay thế trên trị trường".

Quý Phạm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/eco-handicraft-va-hanh-trinh-tim-lai-cho-dung-cho-do-thu-cong-43840.html